ÂM DƯƠNG TƯƠNG GIAO, TƯƠNG THÀNH
Âm dương tuy tương phản, trái ngược nhau đấy, nhưng không tương khắc như nước với lửa, mà tương giao, tương thời, tương thế – gặp nhau, xô đẩy nhau, thay thế nhau – như ánh sáng vá bóng tối, như nóng và lạnh. Hệ từ hạ, Chương 5 bảo (Tỉ như) mặt trời qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt trời lại; mặt trời mặt trăng cảm ứng nhau mà ánh sáng phát ra; mùa lạnh qua thì mùa nóng lại, mùa nóng qua thì mùa lạnh lại, lạnh nóng (cảm ứng nhau) xô đẩy nhau mà thành ra năm tháng. Cái đã qua co rút lại, cái sắp tới duỗi dài ra, co rút (khuất), duỗi dài )thân), hai cái đó cảm ứng nhau mà ích lợi mới nảy ra”.
(Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên: hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi thế thành yên; vãng giả khất dã, lai giả thân dã, khuất thân tương cảm nhi lợi sinh yên).
Vậy chúng ta nên nói là âm dương tương giao, tương thôi (hơn là tương phản); và thay phiên nhau, theo một nhịp điệu nào đó, dài ngắn tùy hiện tượng, tùy thời, nhưng cứ cái này lên thì cái kia xuống, cái này xuống thì cái kia lên, mỗi cái làm chủ trong một thời rồi lại nhường chỗ cho cái kia.
Không những vậy, âm dương còn tương thành nữa. Chúng tương thành vì chúng bổ túc nhau: ngày sáng để vạn vật sinh hoạt, đêm tối để vạn vật nghỉ ngơi, hè nóng để vạn vật phát triển, đông lạnh để vạn vật gom lại sức. Tương thành còn vì một lẽ nữa: nếu cái nọ diệt cái kia thì không cái nào còn cả. Không còn âm thì cũng không còn dương, không còn dương thì làm sao có âm, mà vũ trụ, vạn vật cũng không có. Quan niệm tương phản mà tương thành đó là quan niệm phổ biến của Trung Hoa thời xưa, như Trương Kì Quân nói:
“Các Bậc thánh triết Trung Quốc thời xưa cho rằng bất kỳ sự vật gì cũng là một thể mà hai mặt; chỉ là biến hoá tương đối chứ không phân lập tuyệt đối; tương phản mà tương thành chứ không mâu thuẫn đấu tranh” (Trung quốc cổ đại thánh triết dĩ vi nhiệm hà sự vật quân thuộc nhất thế chi lượng diện, thị tương đối đích biến hoá, phi tuyệt đối đích phân lập; tương phản tương thành, bất thị mâu thuẫn đấu tranh đích liễu).
Tương phản mà tương thành nghĩa cũng như câu “Đồng qui nhi thù đồ” trong Hệ từ hạ Chương 5: tuy đường lối khác nhau nhưng đều đưa tới một nơi, một mục đích cả. Nắng mưa trái nhau nhưng phải có đông có hạ mới đủ bốn mùa.
Trương Kì Quân cho rằng thuyết tương phản mà tương thành của Dịch mới xét tựa như biện chứng pháp của Hegel nhưng thực ra nghịch hẳn nhau vì một bên phản mà để tương thành, một bên phản để chống đối nhau (phản giả dĩ tương (bội). Tôi cho nói như vầy có phần đúng hơn: một bên phản để tương thành, một bên phản để tương diệt, tự diệt, vì theo Hegel: thèse (chính) antithèse (phản) phản nhau để sau cùng hoà thành Synthèse (hợp) – như vậy chính (thèse) không còn, phản cũng không còn; còn theo Dịch thì âm dương tuy phản nhau mà giao với nhau, xô đẩy nhau, thay thế nhau để rốt cuộc cũng vẫn trở lại trạng thái cũ, chỉ thay phiên nhau tác động trong một thời gian để vũ trụ được điều hoà, vạn vật sinh trưởng thôi.
Triết Đông và Triết Tây khác nhau từ căn bản, đem so sánh với nhau thì thế nào cũng miễn cưỡng.
*
ÂM DƯƠNG TƯƠNG CẦU, TƯƠNG ỨNG
Âm dương còn một tính cách nữa là tương cầu, tương ứng.
Có tương cầu, tương ứng thì mới gặp nhau, giao nhau mà sinh ra vạn vật (Nhị khí giao cảm, hoá sinh vạn vật – Chu Liêm Khê).
Trong Vũ trụ không loài nào không theo luật đó. Kinh Dịch diễn luật đó bằng sự tương quan giữa cách cặp hào 1-4, 2-5, 3-6 mà chúng tôi đã trình bày trong chương IV – trang 83.
Khi âm dương tương ứng thì dương xướng mà âm hoạ, hợp tác với nhau như quẻ Càn và quẻ Khôn. Càn cương kiện, Khôn Nhu thuận. Càn tạo ra vạn vật ở vô hình, thuộc về phần khí; nhưng phải nhờ Khôn, vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn, chỉ khác Khôn có đức thuận, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn mà tiếp tục công việc của Càn, còn khởi xướng thì phải là Càn. Đó là quan niệm chung của các dân tộc ở thời đại nông nghiệp, theo chế độ phụ quyền.
*
Tóm lại âm dương tuy tính chất tương phản nhưng cũng tương ứng, tương cầu (tìm nhau), tương giao (gặp nhau), có tương giao mới tương thôi (xô đẩy nhau), tương ma (cọ xát nhau), tương thể (thay thế, bổ túc nhau) để tương thành (giúp nhau tự hoàn thành: có cái này thì mới có cái kia, có cái này thì cái kia mới làm tròn được nhiệm vụ của nó trong vũ trụ.).
Quan trọng nhất là sự tương giao: giống đực giống cái, cả trời dất nữa (vì trời đất cũng chỉ là âm dương) có giao cảm với nhau rồi mới có vạn vật, vạn vật mới sinh nở biến hoá được.
Càn Khôn (tức âm dương) là cái cửa của Dịch (Hệ từ hạ – Chương 6); Dịch là Đạo âm dương, mà luật âm dương là tương giao, cho nên nghĩa thứ nhất của Dịch là giao dịch như cuối chương 1 chúng tôi đã nói.
*
DỊCH LÀ BIẾN DỊCH
Âm dương đều động.
Muốn giao nhau thì cả dương lẫn âm đều phải động.
Hệ từ thượng truyện mở đầu bằng câu:
“(Vì thấy) trời cao đất thấp (mà thánh nhân) vạch ra quẻ Càn và quẻ Khôn; (...) động và tĩnh đã có luật nhất định, do đó mà phân biệt cương và nhu” (Thiên tôn địa ti, Càn Khôn định hĩ; (...) động tĩnh huữu thường, cương nhu đoán hĩ).
Câu đó cho trời là Càn, động, cương, đất là Khôn, tĩnh, nhu; trời đại biểu dương tính, đất đại biểu âm tính.
Như vậy chỉ có Càn (tức dương) mới động, còn Khôn (tức âm) thì tĩnh, động tĩnh cách biệt hẳn nhau, đối lập nhau chăng? Không phải vậy, trong dương đã có âm, trong âm đã có dương thì trong động cũng có tĩnh, trong tĩnh cũng có động, nghĩa là dương và âm đều có động, có tĩnh, chỉ khác bản tính của dương hiếu động hơn tĩnh, bản tính của âm hiếu tĩnh hơn động. Xét câu này trong chương 6 Hệ từ thượng truyện thì rõ.
“Đạo Càn lúc tĩnh thì chuyên nhất, lúc động thì tiến thẳng, cho nên sức sinh ra của nó lớn. Đạo Khôn lúc tĩnh thì thu lại, lúc Động thì mở ra, cho nên sức sinh ra của nó rộng” (Phù Càn, Kỳ tĩnh dã chuyện, kỳ động dã trực , thị dĩ đại sinh yên. Phù Khôn, Kỳ tỉnh dã hấp, kỳ động dã tịch thị dĩ quảng sinh yên).
Lại thêm Văn ngôn truyện cũng bảo: “Đạo Khôn rất nhu (mềm) mà khi động thì cũng cương (cứng, mạnh).”
hiển nhiên Dịch cho âm dương đều có thể động, có thể tĩnh.
Quan niệm động đó trong Dịch hợp với Đạo đức kinh, vì Lão tử cũng nói: “Phản giả, Đạo chi động”: sự động (vận hành) của Đạo là quay trở về. (chương 40).
Chương 5: “Thiên địa chi gian, kỳ do thác thược ho? Hư nhi bất khuất, động nhi dũ xuất”: Khoảng giữa trời đất như ống bễ chăng? Hư không mà không kiệt, càng chuyển động, hơi lại càng ra.
Hình ảnh ống bễ đó với hình ảnh cái hang, gọi là mẹ nhiệm màu, giá của trời đất ở chương 6 Đạo đức kinh (huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn) khiến ta liên tưởng đến hình ảnh “kỳ động dã trực”, “Kỳ động dã tịch” trong chương 6 Hệ từ thượng dẫn trên. Cho trời là cha, đất là mẹ của vạn vật. Càn Khôn như nam và nữ, là tư tưởng phổ biến của Trung Hoa, có thể đã có trong dân gian từ đời Ân hay đời Thương.
... Rồi biến hoá
Âm dương có động thì mới giao nhau, mới biến mà sinh sinh hoá hoá. Vậy Dịch cũng như Trung Dung (chương 26) cho rằng động thì biến, biến thì hoá. Hệ từ thượng truyện chương 12 bảo: “Càn Khôn là cái sâu kín hoặc chứa đựng cái nguyên nhân của Đạo Dịch chăng? Càn Khôn thành hàng rồi mà đạo Dịch lập nên ở trong. Càn Khôn bị phá thì còn gì để thấy đạo Dịch nữa? Dịch không thấy được thì cơ hồ Càn Khôn không thi hành được.” (Càn Khôn Kỳ Dịch chi uẩn dả Càn Khôn thành liệt nhi Dịch lập hồ kì trung hĩ. Càn Khôn hủy tắc vô dĩ kiến Dịch. Dịch bất khả kiến, tắc Càn Khôn hoặc cơ hồ tức hĩ).
Chữ Dịch ở đây là biến dịch, tức đạo biến hóa trong vũ trụ. Mọi sự biến hóa đều từ Càn Khôn mà ra; không còn Càn Khôn (tức âm dương) thì không còn sự biến hóa. Mà nếu không có sự biến hóa, nghĩa là nếu âm dương không tác động lẫn nhau, không gặp nhau, thì “cô dương” không thể sinh, “độc âm” không thể thành; trong trường hợp đó âm dương sẽ bị tiêu diệt.
Mà sở dĩ có biến hóa là do âm dương cọ xát nhau, (...) sinh ra sấm sét, gió mưa, mặt trời mặt trăng xoay vần, cứ lạnh rồi tới nóng (Hệ từ thượng – chương 1).
Từ sự biến hóa đó sinh ra vạn vật (sinh sinh chi vị dịch).
Trận tự trong sự biến hoá.
Sự biến hóa trong vũ trụ theo một trật tự nhất đinh:
- Theo luật tôn ti: “Thiên tôn địa ti”.
Trời cai đất thấp, trời tôn mà đất tiện.
- Thuận lẽ tự nhiên:
“Trời đất động mà thuần theo lẽ tự nhiên, cho nên mặt trời mặt trăng, phần đêm ngày chẳng bao giờ sai lầm, mà khí hậu bốn mùa chẳng bao giờ sai suyễn” (Thiên địa dĩ thuận động, cổ nhật nguyệt bất quá nhi tứ thời bất thắc – Thoán truyện – quẻ Dư).
- Có chừng mực:
“Trời đất có chừng mực nên mới thành bốn mùa” (Thiên địa tiết nhi tứ thời thành – Thoán truyện – quẻ Tiết).
Khí vận của trời đất, mùa nắng mùa mưa, mùa nóng mùa lạnh đều có chừng mực, xuân không xuân hoài, thu không thu mãi, hạ không kéo dài quá, đông không ngắn quá, có vậy mới thành bốn mủa được.
- Hằng cữu (lâu dài hoài) mà không thôi, nghĩa là theo một luật nào đó thì theo hoài chứ không lúc thế này lúc thế khác.
“Đạo của trời đất hằng cữu mà không thôi” (Thiên địa chi đạo hằng cữu nhi bất dĩ dã – Thoán truyện – quẻ Hằng).
- Biến theo trình tự mới đầu thì từ từ, từng bước (tiệm biến) rồi cuối cùng biến mạnh (dột biến), lúc đó gọi là hóa.
Hào 1 quẻ Khôn nói: “Đạp lên sương thì biết băng dày sắp đến” (Lí sương, kiên băng chí). Bắt đầu mùa lạnh, khí lạnh mới kết lại thành sương, rồi lần lần lạnh hơn, sương dày hơn, như vậy trong một hai tháng (tiệm biến) sau cùng khi lạnh tới một độ nào đó thì chỉ trong một đểm, nước đông lại, động biến mà hoá thành băng.
Xét quẻ của 12 tháng ở trên, chúng ta thấy từ quẻ Càn đến quẻ Bác có sự tiệm tiến của khí âm (mỗi tháng thêm một hào âm), rồi từ quẻ Bác qua quẻ Khôn có sự đột biến thành một quẻ Thuần âm, trái ngược với quẻ Thuần dương là Càn lúc đầu. Từ quẻ Khôn đến quẻ Quải cũng vậy, nhưng ngược lại: khi dương tiệm tiến (mỗi tháng thêm một hào dương), sau cùng quẻ Quải đột biến thành quẻ Càn thuần dương, trái ngược với quẻ Khôn lúc đầu.
Văn ngôn truyện đưa một thí dụ thuộc về nhân sự.
“Nhà nào tích lũy điều lành thì có thừa phúc (để đến đời sau). Nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ (để đến đời sau). Như việc bề tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không ở trong một buổi sớm buổi chiều, tất dần dà có từ lâu rồi, mà người ta không biết lo toan từ sớm vậy”. (Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương. Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triều nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ. Do biện chi bất tảo biện dã) “Dần dà có từ lâu” (Kỳ sở do lai giả tiệm hĩ) là tiệm biến; mà sự bề tôi giết vua, con giết cha (Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ) là đột biến, là hoá.
Trong Kinh Dịch có nhiều quẻ nói về sự tiệm biến, như quẻ Phệ hạp khuyên nhà cầm quyền phải răn đe dân từ khi dân mới mắc phải tội nhỏ (hào 1), nếu không dân sẽ quen làm bậy, ác cứ tích lũy mà mắc tội lớn (hào 6). Rõ ràng nhất là quẻ Tiệm (tiến lần lần), từ hào 1 đến hào 6, con chim hồng tiến lần lần từ mặt nước lên đến bờ, lên phiến đá, đất bằng, cành cây, gò cao rồi sau cùng vụt một cái bay bổng lên trời.
Về sự đột biến thì có quẻ Cách, Hào từ khuyên phải hành động ra sao khi muốn cuộc cải cách lớn, một cuộc cách mạng chẳng hạn.
Tóm lại Dịch có nghĩa thứ hai là biến dịch. Có biến thì mới hóa mà thông được (qua lại không cùng thì gọi là thông: vãng lai bất cùng vị chi thông – Hệ từ thượng, chuong1), nếu không thì tới một lúc nào đó phải ngưng trện phải hết, không thông được, vũ trụ không trường tồn được. Nhưng biến phải theo một trật tự nào đó, phải có qui luật, mà nói đến qui luật là nói đến cái gì bất biến rồi. Do đó Dịch còn có nghĩa thứ ba là bất biến bất dịch nữa, mà tôi sẽ xét trong đoạn dưới.
*
DỊCH LÀ BẤT DỊCH
Luật mản chiêu tổn, Khiêm thụ ích.
Sự biến hóa trong vũ trụ diễn tiếng theo một qui luật bất di bất dịch. Qui luật đó, Trung Hoa gọi là thường.
Triết gia đầu tiên dùng chữ thường theo nghĩa đó có lẽ là Lão tử.
Đầu Đạo đức kinh, ông bảo: “Đạo khả đạo phi thường đạo”: cái Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cữu bất biến.
Ông lại nói: “Biết rõ qui luật “thường” là sáng suốt; không biết qui luật “thường” mà làm bừa làm bậy thì gặp điều không lành” (Tri thường biết minh; bất tri thường, vọng tác, hung – chương 16).
Hệ từ tượng truyện (Chương 1) cũng nói đến qui luật “thường”: “Động tĩnh hữu thường” và quan niệm rằng: Thiên hạ rất động nhưng vì có qui luật thường nên động đấy mà không thể rối loạn được... (thiên hạ chi chí động nhi bất khả loạn dã – Hệ từ thượng – chương 8), và chính là theo qui luật thường đó mà vũ trụ vạn vật chuyển động biến hoá (Thiên hạ chi động trinh nhất giả dã – Hệ từ hạ – chương 1).
Qui luật thường đó là gì? Là âm dương thay lẫn nhau, cứ một cái tiến thì một cái lùi, một cái lùi thì một cái tiến. Biến hóa chỉ là sự tiến lùi của âm dương thôi. “Biến hoá giả, tiến thoái chi tượng dã; cương nhu giả, trú dạ chi tượng dã”: biến hoá là hình tượng của sự tiến thoái, cương (tức dương) nhu (tức âm) là hình tượng của ngày đêm, nghĩa là của sự thay phiên nhau (Hệ từ thượng – chương 2).
Hệ từ hạ chương 1 cũng diễn ý đó:
“Cát và hung luôn luôn thắng lẫn nhau theo một luật nhất định (Cát hung giả, trinh thắng giả dã). Việc đời không cát thời hung, hết cát lại hung, hết hung lại cát. Cát hung đó nên hiểu là dương và âm, là trời và đất, là mặt trời mặt trằng, là ngày đêm v.v...; cho nên tiếp theo câu trên là câu: “Thiên địa chỉ đạo trinh quan giả dã, nhật nguyệt chi đạo trinh minh giả dã” (Đạo trời đất chỉ bảo cho ta luật đó, đạo mặt trời, mặt trăng sáng tỏ theo luật đó).
Coi lại quẻ của 12 tháng ở trên ta thấy từ quẻ Cấu hào âm lần lần thay thế hào dương, âm tiến tới đâu, dương lui tới đó, cuối cùng cả 6 hào dương nhường cho 6 hào âm thành quẻ Khôn; rồi lại tới phiên hào dương lần lần thay thế hào âm, dương tiến tới đâu, âm lui tới đó, cuối cùng cả 6 hào âm nhường chỗ cho 6 hào dương mà thành quẻ Càn. Nhờ vậy mới biến hoá vô cùng được; nếu không thì sẽ chỉ có “cô dương” hay “độc âm” mà không có năm tháng, không có bốn mùa, không có vũ trụ.
Dương thịch cực thì suy lần, để cho âm thịnh lên; khi âm thịch cực thì cũng suy lần để cho dương thịch lên. Khắp vũ trụ, không đâu và không thời nào không có luật đó. Từ sự vận hành của mặt trời mặt trăng, sự qua lại của bốn mùa, sự lên xuống của thủy triều, sự thịnh suy của một dân tộc, một quốc gia, một họ, sức lực, trí tuệ của cá nhân v.v... không cái gì không theo luật thịnh suy: “mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” (đầy thì sẽ vơi, thiếu thì sẽ được thêm).
Hào 3 quẻ Tốn bảo: “Ba người cùng đi thì bớt đi một người, một người đi (một mình) thì được thêm bạn” (Tam nhân hành tắc tổn nhất nhân, nhất nhân hành tắc đắc kì hữu) là nghĩa đó.
Cho nên quẻ Ích (Tăng lên) vốn là tót mà hào cuối lại xấu: tràn thì cuối cùng phải đổ; mà quẻ tổn (giảm đi) vốn xấu mà cuối cùng lại tốt: vơi thì được thêm. Xấu như quẻ Cổ (đổ nát) mà Thoán từ khen là tốt chỉ vì đổ nát thì phải làm lại, canh tân, mà canh tân là điều rất tốt. Không có gì suy cực mà không thịnh lên, tới lúc cùng mà không bắt đầu trở lại.
Quẻ Khốn (khốn đốn) là thời khó khăn đến cực điểm, năm hào dưới đều xấu, mà hào trên cùng, hào Từ cho là sẽ tốt nếu biết thận trọng, ăn năn.
Vậy thì trong hoạ vẫn nấp phúc, như quẻ Khuê (chia lìa) hào 6, mà trong phíc vẫn nấp hoạ như quẻ Phong (thịnh lớn) hào 6; hoặc như quẻ Dự (vui) vốn tốt mà chỉ có hai hào (2 và 4) là tốt, còn 4 hào kia đều xấu nhiều hay ít cả.
Câu “Hoạ hề phúc chi sở ý, phúc hề hoạ chi sở phục”.
(Hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc lá chỗ núp của hoạ), và câu “Sinh ư ưu hoạn, nhi tử ư an lạc” của Mạnh tử đều diễn cái luật thịnh suy đó cả.
Tác giả Tự Quái truyện đã có ý muốn ta chú ý tới luật đó nên sau mỗi quẻ thường đặt một quẻ ý nghĩa ngược lại, như sau quẻ Thái tới quẻ Bỉ, sau quẻ Bác tới quẻ Phục, sau quẻ Tốn tới quẻ Ích, sau quẻ Kí Tế tới quẻ Vị Tế v.v...
Luật phản phục, tuàn hoàn.
Âm dương thay thế nhau được do một luật bất biến, một luật “thường” là thịch cực tắc suy, vật cùng tắc biến, mà biến là phản phục. Quẻ Càn (Dương) khi suy tới cùng, 6 hào dương bị hào âm chiếm ngôi hết thì thành quẻ Khôn, nhưng tiếp theo quẻ Khôn là quẻ Phục, một hào dương lại sinh. Khôn là âm thịnh cực, từ đó lại suy lần, khi suy tới cùng, 6 hào âm bị 6 hào dương chiếm ngôi hết thì lại trở thành quẻ Càn, rồi tiếp theo quẻ Càn là quẻ Cấu, một hào âm lại sinh.
Luật phản phục, tuần hoàn cũng là một luật “thường”, bất dịch của Dịch.
Luật phản phục là luật diễn biến trong vũ trụ mà dân tộc Trung Hoa đã nhận thấy từ khi chưa có Kinh Dịch. Xem sự vận hành của mặt trời mặt trăng, của bốn mùa v.v... họ thấy sự vật diễn biến theo một phương hướng nào đó, khi tới mức cùng tốt không thể tiến triển được nữa thì chuyển biến mà quay trở lại theo chiều nghịch với phương hướng cũ, cứ như thế mãi, không bao giờ thôi. Từ cục thịnh qua suy vi tới diệt vong – như từ quẻ Càn tới quẻ Cấu, quẻ Độn, quẻ Bĩ... tới quẻ Khôn gọi là phản. Từ diệt vong lại phát sinh để tiến triển đến chỗ cực thịnh – như từ quẻ Khôn tới quẻ Phục, quẻ Lâm, quẻ Thái... tới quẻ Càn – gọi là Phụ. Sự phản phục đó là phản phục của khí dương. Sự phản phục của khí âm ngược lại: thời phản của dương là thời phục của âm, thời phục của dương là thời phản của âm. Cứ một lần phản, một lần phục, phục rồi lại phản, như vậy thành luật tuần hoàn.
Tôi sở dĩ đoán rằng quan niệm phản phục xuất hiện trước khi có Kinh Dịch, vì Kinh Dịch là sách đầu tiên nói tới luật đó.
Hào Từ quẻ Thái nói:
“Không có gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại” (Vô hình bất pha, vỗ văng bất phục – hào 3).
Thoán từ quẻ Phục nói rõ hơn:
“Đạo (Vận trời tráo đi trở lại, cứ bảy ngày thì trở lại” (phản phục kì đạo, thất nhật lai phục).
Chữ ngày (nhật) ở đây thay cho chữ hào mỗi ngày là một hào, một lần biến; cứ bảy ngày thì trở lại vì từ quẻ Cấu một hào âm sinh ở dưới cùng, tới quẻ Độn, quẻ Bĩ, quẻ Quải, quẻ Bác, quẻ Khôn, quẻ Phục, như vậy là bảy quẻ (tính cả quẻ Cấu theo lối Trung Hoa). Có lẽ do câu đó mà Y học Trung Hoa cho rằng khí huyết người ta bảy ngày thì thay đổi.
Về khí tiết trong một năm thì bảy tháng, từ tháng năm (quẻ Cấn) tới tháng mười một (quẻ Phục).
Sau, Dịch Kinh (Thoán từ của Văn Vương, Hào từ cùa Chu Công) sách nói nhiều nhất đến phản phục là Đạo đức kinh của Lão tử: “Vật cực tắc phản” – chương 36; “Phản giả đạo chi động” – chương 40; nhất là:
“Phù vật vân vân, các qui lì căn”: vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng – chương 16; và “Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản”: đạo lớn là đi, đi là đi xa, đi xa là quay trở lại – chương 25.
Sau Đạo đức kinh là Dịch truyện :
- Quẻ Thái: “Vô văng bất phục”: không cái gì đi mà không trở lại.
- Quẻ Cổ: “Chung tắc hữu thủy, thiên hành dã”: hết rồi thì bắt đầu lại, đó là sự vận hành của trời.
- Quẻ Phuong: “Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thực”: mặt trời tới đỉnh đầu rồi thì xế, mặt trăng đầy rồi thì khuyết.
Nhờ luật phản phục đó mà sự vật trong vũ trụ không bị tắc, bị cùng, mới thông được, mới sinh sinh hoá hoá hoài được; vì vậy “xét quẻ (hay đạo) Phục (trở lại) mà biết được lòng hiếu sinh của trời đất” (Phục kì kiến thiên địa chi tâm – quẻ Phục – Thoán truyện).
Tác giả Tự Quái truyện cũng cố làm nổi bật cái luật “Vật cực tắc phản” khi viết:
“Quẻ Li thì an thích (hay thông thuận) mà sau được yên ổn cho nên sau quẻ Li tiếp tới quẻ Thái, Thái là thông, vật không thể thông thuận hoài, cho nên tiếp theo là quẻ Đồng nhân...” và để diễn cái ý vũ trụ biến dịch vô cùng, không lúc nào hết, không lúc nào cùng, cho nên sau quẻ Kí Tế (việc đã xong rồi) tiếp tới quẻ Vị Tế (chưa xong), như vậy đúng với câu “Chung tắc hữu Thủy” trong Thoán truyện, quẻ Cổ.
Tóm lại luật âm dương (vũ trụ) lúc nào cũng động, mà động sinh ra biến, biến tới cùng thì quay trở lại (phản phục) để cho được thông, có thông thì mới vĩnh cửu, tồn tại hoài được. Luật “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” (Hệ từ hạ 2), Luật tuần hoàn đó là một luật “thường”, bất dịch khiến cho Dịch có ý nghĩa thứ ba là bất dịch, sau hai ý nghĩa giao dịch, biến dịch.
Phản phục là phản tiến bộ?
Các triết gia Trung Hoa tin luật tuần hoà, cho rằng vũ trụ, xã hội vận hành trên một vòng tròn. Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, Dịch học phái gọi luật đó là “phản phục”, quay về lúc đầu, mà lúc đầu theo các nhà đó là dương và âm; còn Lão tử thì gọi là “qui căn” trở về gốc, gốc tức là vô (từ vô sinh hữu). Vì vậy mà có người bảo người Trung Hoa không có ý thức về sự phát triển, không như người phương Tây cho rằng vũ trụ, xã hội phát triển theo vòng trôn ốc, mỗi ngày vòng mỗi mở rộng ra, có tiến bộ.
Không có ý thức về sự phát triển nên người Trung Hoa có tinh thần thủ cựu, hiếu cổ. Nho, Mặc muốn trở về thời Nghiêu Thuấn, Lão còn muốn trở về thời xã hội nguyên thủy. Trang muốn trở lại trước thời nguyên thủy đó thời chưa có tổ chức xã hội nữa. Ngay các Pháp gia như Hàn Phi tuy không muốn trở lại thời trước (họ cho mỗi thời một khác, thời nào có chính trị thời ấy) mà cùng cũng nhận Nghiêu Thuấn là những thánh Vương thời cổ. hoàng kim thời đại của dân tộc Trung Hoa ở sau lưng họ, thời Nghiêu Thuấn, chứ không ở trước mặt họ. Đó là lý do khiến họ không tiến được.
Lời chê đó có lý một phần. Nhưng tâm lý con người ở nơi nào, thời nào mà chẳng tiếc dĩ vãng, cho hiện tại kém xa dĩ vãng. Hoàng kim thời đại của phương Tây, thời Chúa Ki Tô chang73 hạn còn lùi xa hơn hoàng kim thời đại của Khổng, Lão, lùi về tận thời ông Adam và bà Eva mới sinh kia. Và ngay bây giờ đây, mỗi người phương Tây có tới một trăm tên nô lệ (tức máy móc) phục vụ, có Thiên Lý nhãn, Thiên Lý Nhĩ, bay cả được lên cung trăng, hơn trong truyện Phong Thần nữa, mà có biết bao người Âu, Mỹ từ triết gia, khoa học tới thanh niên ước ao trở lại cuộc đời giản dị, sống gần thiên nhiên như thời kỳ nông nghiệp.
Khổng tử và Lão tử không phải là không biết tiến bộ kỹ thuật. Khổng còn dùng cả những tiến bộ đó nữa nên ông ngồi xe nhà Ân kiên cố hơn xe thời Nghiêu Thuấn, đội mũ miện nhà Chu đẹp hơn mũ thời Nghiêu Thuấn (Luận nữa XV 10). Lão cực đoan hơn, muốn bỏ hết những tiến bộ kỹ thuật đi: có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người mà không dùng, có thuyền xe mà không ngồi, bỏ cả văn tự, dùng lại lối thắt dây thời thượng cổ (Đạo đức kinh, chương 80). hai nhà đó chỉ buồn rằng thời họ nhân tâm hư hỏng, đạo lý suy vị, xã hội loạn lạc mà con người khổ sở hơn thời trước. Có thể họ hơi quá bi quan, nhưng ngay thời đại chúng ta cũng cho rằng kỹ thuật không chắc đã tạo thêm hạnh phúc cho con người. Năm 1972 hai nhà bác học Anh, Edward Goldsmith và Robert Allen, sau Erza Mishan, đã đề nghị chẳng những ngưng sự phát triển kỹ thuật mà còn nên thụt lùi lại một thế kỷ nữa, và đề nghị của họ được 33 bác học Anh nổi tiếng về khoa sinh vật học, kinh tế học, sinh thái học... vui vẻ đỡ đầu. Họ cho chỉ có cách đó là cứu vãn được nhân loại, giảm những sự tranh giành, tàn sát nhau, giảm sự bất quân, bất công mà tăng hạnh phúc trên thế giới. Người ta gọi họ là bọn Zégist, một từ mới được tạo ra để trỏ những người muốn chặn đứng sự phát triển kỹ thuật. Có gì mới mẻ đâu? Lão tử đã là ông tổ của họ từ non 2500 năm trước rồi.
Vậy bảo rằng người Trung Hoa không có ý thức về sự phát triển, có lẽ không đúng lắm; họ chỉ chú trọng đạo lý nhất thôi, họ cho rằng chỉ có sự cải thiện con người, tăng hạnh phúc cho con người mới đáng gọi là tiến bộ, mà quan niệm đó là quan niệm chung của các triết gia Đông, Tây thời cổ, không chắc đã là hậu quả của thuyết phản phục, tuần hoàn
*
ĐỊNH MỆNH
Chúng tôi sẽ không xét thuyết Tượng số trong Dịch Truyện (Hệ Từ truyện) vì không hiểu thuyết đó, không tháy nó có ích lợi gì cho nhân sinh.
Để kết thúc chương này, chúng tôi xin xét qua về quan niệm định mệnh trong Dịch.
Trước Văn Vương, Chu Công, người nào đặt ra phép bói Dịch tất tin rằng có một sự an bài, một định mệnh nghĩa là sự việc biến chuyển ra sao, xấu hay tốt đã định rồi. Bậc “Thánh nhân” đã “thần minh để biết trước việc sẽ tới, lại sáng suốt để chứa những kinh nghiệm cũ” (Hệ từ thượng – chương 11).
Hệ từ hã, chương 6, lại nói: “Dịch làm rõ cái đã qua mà xét cái sắp tới, làm sáng tỏ cái kín đáo, mở cái bí mật” (Dịch chương vãng nhi sát lai, nhi vi hiển triển u).
Cho nên “người quân tử sắp làm hay tiến hành việc gì thì dùng lời (Khấn) mà hỏi Dịch. Dịch nhận được lời hỏi và trả lời nhanh như tiếng vang. Không kể gần xa, sâu tối. Dịch cũng biết được cái gì sẽ xảy ra. Nếu Dịch không phải là cái gì rất tinh vi trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?” (Quân tử tương hữu vi dã, tương hữu hành giả, vấn yên nhi di ngôn. Kỳ thụ mệnh dã như hưởng. Vô hữu viễn cận, u thâm, toại tri lai vật. Phi thiên hạ chi chí tinh, kì thục năng dự ư thử? – Hệ từ thượng – chương 5).
“Dịch không nghĩ ngợi gì cả, không làm gì cả, yên lặng không động, nó chỉ cảm mà thấu được các biến cố trong thiên hạ. Nếu nó không phải là cái thần diệu tột bực trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?” (Dịch vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố. Phi thiên hạ chi chí thần, kì thực năng dự ư thử – Như trên).
Chữ Dịch trong đoạn đó nên hiểu là những người tìm ra được phép bói Dịch. Phép bói đó có thật là “thần” không, chúng tôi không dám bàn tới. Có những người rất thông minh tin nó như nhà bác học nổi danh khắp thế giới Jung, mà có nhiều người cũng rất thông minh không tin nó.
Văn Vương, Chu Công và các tác giả Dịch Truyện tin nó và ráng đem những luật âm dương ai cũng nhận thấy trong vũ trụ để giảng cho nó bớt tính cách huyền bí đi, rồi sửa lại thuyết định mệnh trong Dịch, coi nó là một luật tự nhiên, nó chỉ cho ta biết cái hướng theo đó sự việc sẽ xảy ra (Hệ từ thượng –chương 3 – đoạn 5); và nếu ta nhiều khi không thể sửa cái hướng đó được thì cũng có thể tránh nó hoặc tìm một thái độ thích hợp để thêm tốt lên hoặc xấu đi, để “xu cát tị hung”.
Chẳng hạn:
- Quẻ Thài hào 3, ở vào thời thịnh cực rồi, sắp suy, Hào từ của Chu Công khuyên: “Không có gì bằng mãi mà không nghiêng, di mãi mà không trở lại, trong cảnh gian nan mà giữ được chính nghĩa thì không lỗi. Đừng lo phiền, cứ tin ở điều chính (điều phải) thì được hưởng phúc”.
- Quẻ Thăng hào 6 khuyên: “Hào này hôn ám, ở cuối thời Thăng là đã lên đến cùng cực rồi mà còn muốn lên nữa, nếu đổi lòng ham đó thành lòng tự cường, sửa đức cho hợp đạo không bao giờ nghỉ thì có lợi, lại tốt”.
- Quẻ Tùy hào 4: “Thu hoạch được lớn đấy nhưng dù lẽ vẫn ngay mà cũng có thể hung được. Cứ giữ lòng chí thành, theo đạo lý, lấy đức sáng suốt mà ứng phó thì không có lỗi”.
- Quẻ Cách hào 6: “Công việc cải cách đến đây đã xong, nên ngưng lại, tiến nữa thì xấu, cứ giữ vững chính đạo thì tốt”.
Vậy tốt hay xấu, hoạ hay phúc tùy do cái thời nó sẽ tới như vậy, nhưng phần lớn cũng do cách mình ứng phó nữa.
Người sáng suốt áp dụng Dịch thì phải nhận cái tự nhiên nó sắp thay đổi mà tài chế nó, như vậy là biết “biến” (Hoá nhi tài chi vị chi biến – Hệ từ thượng – chuong 12).
Cát Hung tùy ở mình hơn ở thời cuộc, hoàn cảnh, lòng mà thiện thì cát, ác thì hung, đó là ý nghĩa câu “Cát dung dĩ tình thiên” trong Hệ từ hạ – chương 12. Có tinh thần đó thì “khi muốn hành động, xem sự biến hóa mà ngẫm nghĩ lời đoán của quẻ (tìm cách đối phó với hoàn cảnh) mà gặp tốt không có gì chẳng lợi, được trời giúp cho” (Động tắc quan kì biến nhi ngoạn kì chiêm, thị dĩ tự thiên hựu chi, cát vô bất lợi – Hệ từ tượng – chương 2).
Hiểu cái lẽ “âm dương tương thôi” thịnh suy thay nhau lên xuống, thì “khi yên ổn không quên rằng sẽ có thể nguy, khi vững không quên rằng sẽ có thể mất, khi trị không quên rằng sẽ có thể loạn. Nhờ vậy mà thân yên, nước vững” (An nhi bất vong nguy, tồn nhi bất vong vong, trị nhi bất vong loạn; thị dĩ thân an nhi quốc gia khả bảo dã – Hệ từ hạ – chương 5).
Tóm lại Dịch cho rằng có số mạng nhưng con người vẫn sửa đổi số mạng được phần nào.