ĐẠO TRỜI
Chu Dịch vốn là sách bói. Nếu chỉ xét phần Kinh – Thoán từ (tức quái từ) và Hào từ thì không thấy có tư tưởng gì quan trọng về đạo lý cả. Phần đó là tác phẩm cuối đời Ân, đầu đời Chu.
Phải đợi sáu, bảy trăm năm sau từ cuối đời Xuân Thu trở đi suốt thời Chiến Quốc, mới có những triết gia, học giả lần lượt viết nên phần Truyện để giải thích phần Kinh và qua đời Hán thì phần Truyện mới có hình thức như ngày nay. Những tác giả phần Truyện có đem tư tưởng của Nho, Lão gài, “cột” vào phần Kinh, làm cho Chu Dịch thành một tác phẩm triết lý có đủ vũ trụ quan, nhân sinh quan, và có thể co là một tổng hợp các tư tưởng phổ biến của Trung Hoa thời Tiên Tần.
Trong chương này chúng tôi xét về vũ trụ quan, để nhân sinh quan lại chương sau. Chúng tôi sẽ căn cứ vào Hệ Từ Truyện, Thoán Truyện, Tượng Truyện, Văn Ngôn Truyện, bốn truyện mà chúng tôi cho là quan trọng nhất.
NGUỒN GỐC VŨ TRỤ: TỪ NHỊ NGUYÊN TIẾN TỚI NHẤT NGUYÊN
Chu Dịch hoàn toàn xây dựng trên quan niệm âm dương, sáu mươi bốn quẻ chỉ do hai vạch âm và dương (đứt và liền) chồng lên nhau, thay đổi cho nhau mà thành.
Quan niệm âm dương là quan niệm đặc biệt của dân tộc Trung Hoa. Nó rất quan trọng, làm căn bản cho triết học, khoan học Trung Hoa, có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân tộc Trung hoa trong mấy ngàn năm nay.
Chúng ta không biết nó xuất hiện từ thời nào, trễ lắm là đời Ân, vì nó phải có từ trước khi có hình bát quái.
Theo một số nhà ngữ nguyên học Trung Hoa thì mới đầu hai chữ dương, âm có hình thức như bên trái.
Chữ dương (ngày nay:) gồm hai phần: bên trái là sườn núi (hoặc bức tường); bên phải trên là mặt trời lên khỏi chân trời, dưới là những tia sáng mặt trời chiếu xuống. Do đó, dương trỏ phía có ánh sáng, phía sáng. Chữ âm (ngày này:), bên trái cũng là sườn núi, bên phải, trên có nóc nhà dưới có đám mây. Do đó, âm trỏ phía mặt trời bị che khuất, không có ánh nắng, phía tối.
Phía có ánh nắng thì ấm áp, cây cối tươi tốt, phía không có ánh nắng thì lạnh lẽo, cây cối không phát triển, do đó âm dương từ cái nghĩa tối sáng chuyển qua nghĩa lạnh nóng, đêm ngày, mùa đông mùa hè, mặt trăng mặt trời, chết sống, yếu mạnh, mềm cứng, giống cái giống đực, suy thịnh, xấu tốt, hư theo, tiểu nhân quân tử, đóng mở, đục trong...
Sau khi có Dịch Kinh và trước khi có Dịch Truyện, âm dương đã chỉ hai cái khí trong vũ trụ rồi. Sách Quốc Ngữ chép:
“Bá Dương Phủ nói rằng:... Khí dương nén không thoát ra được, khí âm bị nén không bốc ra được, thế là sinh ra động đất”.
Bá Dương Phủ đời Tây Chu giải thích vụ động đất xảy ra năm thứ ba đời Chu Vương (- 779) như vậy và cho âm dương là hai cái “khí”, hai động lực thiên nhiên.
Trước Bá Dương Phủ, có thể là từ đầu thới Tây Chu, khi Văn Vương rồi Chu Công viết Thoán từ và Hào từ, người Trung Hoa đã cho âm dương là hai nguyên lý vũ trụ. Chúng ta đã biết hai nét âm dương (lưỡng nghi) chồng lên nhau, thay đổi cho nhau mà thành tứ tượng, rồi thành bát quái. Có thể Văn Vương hoặc Chu Công đã cho bát quái ý nghĩa: Càn: trời; Khôn: đất; Đoái: chằm, Cấn: núi, Tốn: gió, Chấn: sấm sét, Li: lửa, Khảm: nước, nghĩa là đã dùng hai nét âm dương để tượng trưng, để diễn hai cái lớn nhất trong vũ trụ: trời, đất; hai cái khiến người ta chú ý nhất ở trên đất: núi, chằm; hai cái khiến người ta chú ý nhất ở trên trời: gió, sấm sét; và hai cái cần thiết nhất cho đời sống là nước và lửa; tám cái mà người thời đó cho là tám yếu tố, hiện tượng căn bản trong vũ trụ.
Điều chắc chắn là sách Tả Truyện và Quốc Ngữ chép rằng thời Xuân Thu đã có nhiều người chấp nhận ý nghĩa đó của bát quái rồi (Phùng Hữu La dẫn trong Trung Quốc triết học sử – Chương 15 – Tiết 2); và tới thời Chiến Quốc, trước hoặc sau Mạnh tử, tác giả Thoán Truyện đã cho Càn và Khôn, tức dương và âm là nguồn gốc của vũ trụ:
“Lớn thay đức đầu tiên của Càn, muôn vật nhờ đó mà bắt đầu, đức đầu tiên của Càn thống ngự phần trời. Mây đi mưa tới, sắp đặt các vật, lưu chuyển các hình” (Đại tai Can nguyên, vạn vật tư thủy, nãi thông thiên. Vân hành vũ thí phẩm vật lưu hình). “Rất mực thay, đức đầu tiên của Khôn, muôn vật nhờ đó mà sinh; đức đầu tiên của Khôn thuận theo trời. Sức dày của Khôn chở được mọi vật, đức của Khôn đúng là không giới hạn. Nó bao dung, rộng rãi, sáng láng, lớn lao. Các phẩm vật đều nhờ nó mà hanh thông” (Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên. khôn hậu tải vật, đức hợp vô cương. Hàm hoằng quang dại, phẩm vật hàm hanh).
Xét hai đoạn đó thì tác giả Thoán Truyện cho Càn tạo ra vạn vật vô hình , thuộc phần khí; nhưng phải nhờ Khôn, vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn, chỉ khác Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn.
Chúng ta thấy quan niệm đó giống với quan niệm của Lão tử trong Đạo đứa Kinh, chương 51:
“Đạo sinh ra vạn vật, Đức bao bọc, bồi dưỡng, nuôi lớn tới thành thục (...) che chở mỗi vật” (Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng chi, dục chi, đình chi (...) phúc chi).
Tác giả Thoán Truyện đã chịu ảnh hưởng của Lão tử chăng? Mà Càn của Dịch tức là Đạo của Đạo dức kinh, Khôn của Dịch tức là Đức của Đạo đức kinh chăng?
Không hẳn vậy, ví theo Lão tử thì những biểu hiện của Đức đều thùy theo Đạo (Khổng Đức chi dung, duy Đạo thị tòng – Chương 21 – Đạo đức kinh), nghĩa là Đức là một phần của Đạo: khi chưa hiển hiện trong mọi vật thì là Đạo, khi đã hiển hiện rồi thì phần hiển hiện đó trong mỗi vật là Đức. Mỗi vật đều có Đức mà Đức của bất kỳ vật nào cũng từ Đạo mà ra, cho nên nó nuôi lớn mỗi vật mà tùy theo Đạo.
Âm đối với Dương thì khác hẳn: hai cái đó động lập, trái ngược nhau mặc dầu vẫn bổ túc cho nhau; mà Càn với Khôn cũng độc lập, không thể nói Khôn là một phần của Càn, như Đức là một phần của Đạo được. Hệ từ hạ truyện, chương 6 nói rõ như vậy:
“Càn đại biểu những vật thuộc về dương, Khôn đại biểu những vật thuộc về âm. Đức của âm dương hợp với nhau mà hào cương và hào nhu mới có thực thể...” (Càn dương vật dã, Khôn âm vật dã, âm dương hợp đức như cương nhu hữu thể).
Hệ từ thượng truyện, chương I cũng có nói: “Càn làm chủ, tác động, lúc mới đầu, Khôn làm ngưng kết và thành vật. (Càn tri thái thủy, Khôn tác thành vật – Chữ Tri ở đây nghĩa là làm chủ).
Hệ từ hạ truyện chương 6 lại bảo: “Càn và Khôn là cửa của Dịch, tức sự biến hoá chăng?” (Càn, Khôn kỳ Dịch chí môn dã?).
Càn và Khôn trong những câu đó đều có nghĩa là dương và âm.
Lấy Càn và Khôn, tức Dương và Âm làm bản căn của vũ trụ vạn vật, tác giả Thoán truyện và Hệ từ truyện chủ trương một vũ trụ nhị nguyên chăng?
Nhưng Hệ từ thượng truyện chương 11, đưa thêm một quan điểm mới mẻ mà trong phần Kinh cũng như trong Thoán truyện, Tượng truyện không có, tức quan niệm Thái Cực:
“Dịch có Thái Cực, sinh ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh ra Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh ra Bát Quái” (Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái).
Chữ Dịch ở đây có nghĩa là lịch trình biến hoá trong vũ trụ. Lịch trình đó có khởi điểm là Thái Cực. Từ Thái Cực mới sinh ra Lưỡng Nghi (Âm Dương), rồi Tứ Tượng, rồi Bát Quái, tám yếu tố, hiện tượng căn bản trong vũ trụ, như trên đã nói.
Vậy thì nguồc gốc vũ trụ là Thái Cực, chứ không phải âm dương. Suốt Dịch Truyện chúng ta chỉ gặp chữ Thái Cực mỗi một lần đó, Dịch Học phái không cho biết gì thêm. Thái Cực có nghĩa là lớn hơn hết, cao hơn hết, hoặc trước hết cả. Và đa số các học giả đời sau cho nó là cái khí tiên thiên, một thứ linh căn bất sinh bất diệt, huyền diệu trong đó tiềm phục hai nguyên tố ngược nhau về tính chất, Âm và Dương. Quan niện đó thật tiến bộ so với quan niệm Thượng Đế làm chủ vũ trụ của các đời trước.
Âm Dương được thống nhất thành Thái Cực rồi, vũ trụ luận của Dịch mới thành nhất nguyên, và Dịch học phái xích gần lại Lão tử thêm nữa: Thái Cực trong Hệ từ truyện có thể so sánh với Đạo trong Đạo đức kinh.
Thái Cực cũng như Đạo, là nguồc gốc của vạn vật. Nó sinh ra Lưỡng Nghi rồi Tứ Trượng, Bát Quái tức vũ trụ; thì “Đạo cũng sinh ra một, một sinh hai, hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật”. (Chương 42 – Đạo đức kinh); chỉ khác nhau ở chỗ: Thái Cực sinh ra hai (âm dương) ngay, còn Đạo sinh ra một rồi mới sinh ra hai (cũng là âm, dương).
Cái một đó là gì? Không ai biết rõ. Có người đoán rằng một đó lá có, mà Đạo của Lão tử là không. Nếu đúng vậy thì Lão tử chủ trương từ không sinh ra có rồi từ có mới sinh ra âm dương, sau cùng là vạn vật; còn Dịch học phái không chấp nhận cái không mà bắt đầu ngay từ có, từ Thái Cực.
Mãi khoảng 1.300 năm sau, Chu Đôn Di đời Tống, sửa lại quan niệm của Dịch học phái, cho rằng trước Thái Cực còn có Vô Cực; nghĩa là khởi thủy không có gì cả, rồi mới có Thái Cực, có âm dương, tứ tượng, bát quái (coi Vô Cực Đồ dưới đây). Cho Thái Cực bắt nguồn từ Vô Cực, tức Lão cho hữu bắt nguồn từ vô. Thế là đời Tống, đạo Nho đã hoàn toàn chấp nhận vũ trụ luận của đạo Lão.
Tới đây ta có thể kết luận:
Quan niệm âm dương đã có từ trước khi có Kinh Dịch, và quan niệm Trời Đất là cha mẹ của vạn vật là một quan niệm phổ biến của loài người thời Thượng cổ trước khi có quan niệm âm dương – vì loài người nhận thấy rằng nhờ có đất mới có cây cỏ, muông thú, loài người mới có thức ăn; nhờ có trời mới có lửa, ánh sáng, mây mưa, vạn vật mới sinh trưởng được.
Dịch học phái mới đầu chỉ có sáng kiến phối hợp hai quan niệm đó (âm dương phối hợp với Càn Khôn – trời đất); rồi sau phối hợp thêm với quan niệm Đạo của Lão tử mà lập nên một thuyết về vũ trụ, rất giống với thuyết của Lão, nhưng thực tế hơn, chú trọng đến xã hội hơn vì nhấn mạnh về âm dương, về giống đực giống cái, trai gái, về sự sinh sinh hoá hoá hơn.
Từ Xuân Thu trở về trước, còn là quan niệm nhị nguyên: lưỡng nghi (âm dương), tứ tưỡng, bát quái (hai hình trên cùng).
Qua Chiến Quốc hoặc Hán thêm Thái Cực (hình thứ ba) thành nhất nguyên. Thái Cực gồm âm và dương, cho nên có người gọi là nhất nguyên lưỡng cực (một gốc, một nguyên lý mà hai cái đối lập: âm dương).
Tới đời Tống, thêm Vô Cực nữa (hình cuối cùng), thành Vô Cực Đồ. Như vậy, khởi thuỷ là vô cực rồi mới có Thái Cực, có Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Bát Quái: hoàn toàn thành nhất nguyên.
*
Đạo âm dương.
Hệ từ truyện có nhiều chỗ nhắc đến đạo âm dương.
Hệ từ thượng chương 1:
“Có Càn (dương) nên thành giống đực, có Khôn (âm) nên thành giống cái”.
Hệ từ hạ chương 6:
“Đức (tính cách) của âm dương hợp với nhau: mà hào cương và nhu mới có thực thể, nhân đó mà suy trắc được công việc của Trời Đất và thông cảm được đức của thần minh”.
Nhất là chương 5 cũng trong Hệ từ hạ:
“Giống đực giống cái kết hợp tinh khí mà vạn vật sinh nở, biến hoá” (Nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá – sinh).
Chẳng riêng loài người và vạn vật, ngay trời đất cũng vậy, vì trời đất là cha mẹ của muôn loài, cũng chỉ âm dương, tất phải giao cảm với nhau rồi mới có muôn loài được (thiên địa nhân luân, vạn vật hoá thuần).
Câu này nữa trong Hệ từ thượng chương 11:
“Đóng cửa gọi là Khôn (khí âm), mở cửa gọi là Càn (khí dương)”.
(Hạp hộ vị chi Khôn, tích hộ vị chi Càn).
Toàn là căn cứ vào hoạt động sinh thực của nam nữ, của giống đực giống cái mà giảng về nguồn gốc vũ trụ, vạn vật.
Trong Thoán truyện ta cũng thấy nói tới sự giao hợp giữa trời và đất:
Như quẻ Thái:
“Trời đất có giao nhau rồi vạn vật mới thông” (thiên địa giao nhi vạn vật thông dã).
Quẻ Hàm:
“Trời đất cảm nhau mà vạn vật mới hoá sinh” (Thiên địa cảm nhi vạn vật hoá sinh).
Quẻ Cấn”
“Trời đất hội nhau thì vạn vật mới sinh trưởng, phát đạt rõ ràng” (Thiên địa tương ngộ, phẩm vật hàm chương dã).
Quẻ Qui Muội:
“Trời đất không hội nhau thì vạn vật không hưng thịnh lên được” (Thiên địa bất giao nhi vạn vật bất hưng).
Rõ ràng là Dịch coi đạo âm dương, đạo nam nữ là quan trọng nhất: Vì có nam nữ rồi mới thành vợ chồng, có cha con, vua tôi, có lễ nghĩa. Nam nữ là gốc của gia đình, xã hội, gốc của đạo lý, mà đạo nam nữ cũng lớn như đạo Càn Khôn: cho nên đầu Kinh Thượng là hai quẻ Càn, Khôn mà đầu Kinh Hạ là hai quẻ Hàm, Hằng (Nam nữ cản nhau rồi thành vợ chồng).
Chương V Hệ từ thượng truyện bảo:
“Một âm, một dương gọi là Đạo: cái đạo áy khi phát ra thì tốt lành, khi nó cụ thể hoá ở người thì gọi là tính” (Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi giả, tính dã).
Câu “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” có thể hiểu rất nhiều cách, chẳng hạn”
- Có âm và có dương là đạo.
- Một thời âm, một thời dương, thế là đạo.
- Một mặt âm, một mặt dương, thế là đạo.
- Cái khiến cho khi thì âm xuất hiện, khi thì dương xuất hiện, cái đó gọi là đạo.
hoặc:
- Âm dương phối hợp rồi sau mới có đạo.
Chúng tôi thấy câu đầu tiên trong Chương V Hệ từ thượng có cái giọng trong Mạnh tử, Trung Dung và nghĩ rằng nếu có hiểu như sau thì cũng có thể được:
“Âm Dương (nam nữ) đủ đôi thì là đạo, đạo đó phát ra một cách tự nhiên thì tốt lành, thực hành nó là hợp với tính của con người”.
Dù sao tôi cũng phải nhận đề cao đạo âm dương, nam nữ như vậy, Dịch học phái đã chịu ảnh hưởng của đạo Nho, vì trong lúc các triết thuyết thời Tiên Tần, chỉ có Nho là nhấn mạnh vào nhân luân, xã hội hơn cả.
Như vậy, vũ trụ quan trong Dịch gồm một ít tư tưởng của dân tộc Trung Hoa thời trước với một số tư tưởng của Lão và Khổng.
DỊCH LÀ GIAO DỊCH
Trong âm có dương, trong dương có âm.
Âm thịnh thì dương suy, dương thịnh thì âm suy.
Quan niệm âm dương là một quan niệm đặc biệt của Trung Hoa, không thấy trong tư tưởng các dân tọc khác. Quan niệm positif négatif của Âu chỉ là một phần nhỏ của quan niệm âm dương thôi.
Vì âm dương bao trùm cả không gian (như phía bắc, phía nam), thời gian (như đêm ngày), thời tiết (như đông, hè, nắng, mưa), không vật gì hữu hình hay vô hình trong vũ trụ mà không có âm dương: giống đực giống cái, rỗng, đặc, thịnh, suy, thăng, giáng, thu, tán, thiện, ác, tốt, xấu, quân tử, tiểu nhân... đều là âm dương cả.
Âm dương không phải chỉ là hai cái khí, hay hai nguyên lý, không phải là những năng lực, những khía cạnh, những đặc tính... mà là tất cả những cái đó; cho nên không thể dịch từ ngữ âm dương được, và người Âu đành phải phiên âm là Yin và Yang.
Kinh Dịch tượng trưng âm dương bằng hai vạch liền (dương) và đứt (âm) Liền thì gọi là Thực (đặc), đứt gọi là hư (rỗng).
Từ khi có quan niệm Thái Cực, người Trung Hoa tượng trưng âm dương bằng hình đen và hình trắng vì mới đầu, âm có nghĩa là phía không có ánh mặt trời, ở trong bóng tối, dương có nghĩa là phía có ánh mặt trời, sáng sủa.
Chúng ta nhận thấy vòng tròn Thái Cực gồm hai hình âm dương đó, và hai hình này tuy cách biệt hẳn nhau, đối lập nhau, mà lại ôm lấy nhau, xoắn lấy nhau.
Lại thêm chỗ hình đen phồng ra có một điểm trắng, chỗ hình trắng phồng ra có một điểm đen; chỗ hình đen phồng ra là chỗ hình trắng thót lại, ngược lại chỗ hình trắng phồng ra là chỗ hình đen thót lại. Như vậy để diễn cái ý: âm thịnh lần thì dương suy lần, ngược lại dương thịnh lần thì âm cũng suy lần; và khi âm cực thịnh đã có một mầm dương (điểm trắng) xuất hiện rồi, khi dương cực thịnh đã có một mầm đen (điểm đen) xuất hiện rồi.
Vậy chẳng những âm dương xoắn lấy nhau mà trong âm còn có dương, trong dương có âm nữa.
Cuối Chương V Hệ từ thượng truyện, có một câu tối nghĩa: “Âm dương bất trắc chi vị thần” (Âm dương không lường được như vậy gọi là thần). Tối nghĩa vì thế nào là âm dương không lường được?
Đa số học giả cho rằng âm dương biến hoá, ở trong âm mà vẫn có dương, ở trong dương mà vẫn có âm, “âm dương không nhất định về phương hướng nào” (Phan Bội Châu), cũng như trong phúc có họa, trong họa có phúc, không sao đoán trước được. Cách giảng đó dễ chấp nhận hơn cả.
Lẽ trong âm có dương, trong dương có âm đó, chúng ta thấy trong quẻ Phục và quẻ Cấu. Điểm trắng trong nửa âm trên Thái Cực Đồ tức là vạch liền trong quẻ Phục; điểm đen trong nửa dương trên Thái Cực Đồ tức là vạch đứt trong quẻ Cấu.
Dịch cho quẻ Thuần Khôn là tháng mười, lạnh lẽo; Thuần Âm: gồm sáu hào âm. Âm tới tháng đó là thịnh cực; dương bắt đầu sinh, mỗi ngày lớn lần lần lên, hết ba mươi ngày, hết tháng 10, thì thành quẻ Phục tháng 11 (coi trang sau): có một hào dương thay hào 1 âm trong quẻ Khôn. Hào dương lúc đó (đầu tháng 11) mới xuất hiện, nhưng đã phôi thai trong tháng 10, có bao giờ không có dương đâu. Cái thai của dương đó là cái điểm trắng trên nửa đen trong hình Thái Cực. Cứ như vậy dương tăng lần, mỗi tháng lại bớt đi một hào âm, tăng thêm một hào dương; khi đủ 6 hào dương, không còn hào âm nào thì thành quẻ Càn (tháng tư). Lúc này dương cực thịnh, mà âm lại bắt đầu sinh, cũng mỗi ngày một chút, hết 30 ngày, hết tháng tư, thì thành quẻ Cấu (tháng 5): có một hào âm thay 1 hào dương trong quẻ Càn. Hào âm đó lúc đó mới xuất hiện nhưng trong tháng tư có ngày nào không có âm đâu, nó chưa xuất hiện nên ta không thấy đấy thôi. Cái thai của âm đó là cái điểm đen trên nửa trắng trong hình Thái Cực.
Rồi cứ tiếp tục như vậy, âm tăng hoài, mỗi tháng thêm một hào âm, bớt đi một hào dương; khi có đủ 6 hào âm (không còn hào dương nào nữa) thì thành quẻ Khôn, trở về tháng 10, hết vòng một năm.
*
Thành rồi hủy – Quẻ 12 tháng
Luật trong dương có âm, trong âm có dương có nghĩa là hiện tượng nào cũng chứa sẵn mầm tự hủy của nó. Trong sự thịnh có mầm của sự suy, trong sự trị có mầm của sự loạn, trong sự sống có mầm của sự chết. Cho nên có người bảo một đứa trẻ sinh ra là bắt đầu tiến tới sự chết, mà chết là bắt đầu sống lại một cuộc sống khác, là tái sinh dưới hình thức này hay hình thức khác. Không thể có dương mà không có âm, có sống mà không có chết, có thịnh mà không có suy, có trị mà không có loạn. Phải có đủ cả hai thì mới thành một hiện tượng được, mới thành vũ trụ được, cũng như bất kỳ vật nào cũng có mặt phải và mặt trái, xã hội nào cũng có thiện và ác.
Mọi sự biến hoá trong vũ trụ chỉ là một tiến trình thành rồi hủy, hủy rồi thành. Dịch đã cho ta thấy rõ sự tiến trình đó trong những quẻ 12 tháng:
Tháng tư: Quẻ Càn
Tháng năm: Quẻ Cấu
Tháng sáu: Quẻ Độn
Tháng bảy: Quẻ Bĩ
Tháng tám: Quẻ Quán
Tháng chín: Quẻ Bác
Tháng mười: Quẻ Khôn
Tháng mười một: Quẻ Phục
Tháng mười hai: Quẻ Lâm
Tháng giâng: Quẻ Thái
Tháng hai: Quẻ Đại Tráng
Tháng ba: Quẻ Quải
Càn là lúc đã thành rồi, có 6 hào dương. Rồi bắt đầu hủy, quẻ Cấu: một hào âm đẩy một hào dương đi, còn năm hào dương, như vậy là hủy mất một phần sáu. Qua quẻ Độn, hủy thêm một phần sáu nữa, còn bốn hào dương, cứ tiếp tục như vậy, mỗi tháng hủy thêm một phần sáu nữa tới tháng mười thì sáu hào dương bị hủy hết mà thành sáu hào âm, quẻ Khôn.
nhưng tháng mười một, quẻ Phục, lại bắt đầu dựng lại: Một hào dương đẩy một hào âm đi, tháng chạp thêm một hào dương nữa là hài, cứ mỗi tháng thêm một hào dương và tới tháng tư thì hoàn thành: 6 hào dương, quẻ Càn. Có lẽ theo người xưa tháng tư là có tiết lập hạ là tháng nóng nhất trong năm nên cả 6 hào đều là dương, tháng 10 có tiết lập đông là tháng lạnh nhất, 6 hào đều là âm.
Như vậy sự thành của dương là sự hủy của âm và ngược lại, sự thành của âm là sự hủy của dương.