Nhớ lại hành trình tìm hài cốt người em gái qua các nhà ngoại cảm, GS Trần Phương (tên thật là Vũ Văn Dung), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, xúc động: “Hài cốt em tôi đã tìm thấy, nhưng những con đường dẫn đến kết quả ấy thì vẫn là bí ẩn”.
GS Trần Phương có cô em gái, sinh năm 1929, tên là Vũ Thị Kính. Trong kháng chiến chống Pháp, cô lấy bí danh là Trần Thị Khang. 16 tuổi, cô Khang đã tham gia cách mạng, làm giao liên rồi trở thành cán bộ phụ vận có uy tín. Năm 1950, cô là Huyện ủy viên Đảng bộ Phù Cừ, Bí thư Phụ nữ cứu quốc huyện, người tổ chức và chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng một thời.
Tháng 6/1950, trong trận càn quét, địch đã bắt được cô dưới hầm bí mật, đưa về bốt La Tiến, là một bốt khét tiếng tàn ác, án ngữ phía nam tỉnh Hưng Yên. Giặc Pháp đã dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn hòng buộc cô khai báo, thế nhưng, cô không hé răng nửa lời. Biết không thể thu thập được thông tin gì từ cô, chúng đã giết cô rồi vứt xác xuống sông Luộc. Sau khi cô hy sinh, Đội nữ du kích Hoàng Ngân của huyện đã phát động tuần lễ giết giặc trả thù cho cô. Chính phủ đã truy tặng cô Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Huyện ủy và Đội nữ du kích Hoàng Ngân đã tổ chức đi tìm hài cốt cô Khang nhiều năm ròng nhưng không thấy. GS Phương kể: “Mẹ tôi hồi còn sống thỉnh thoảng lại hỏi: Có tìm thấy em không? Tôi đành tìm lời an ủi: “Bao giờ hết chiến tranh, con sẽ tổ chức việc tìm kiếm chắc được thôi mẹ ạ”. Nói thế mà lòng tôi đau nhói vì biết mình bất lực trước nỗi đau của mẹ. Cả dòng sông Luộc mênh mông như thế, biết tìm ở đâu.
GS Phương cho biết, ông là người được đào tạo theo tinh thần khoa học thực nghiệm nên cái gì chứng minh được mới tin là có, cái gì chưa chứng minh được thì dứt khoát không tin. Chính vì không tin chuyện thần thánh, ma quỷ nên những ngày giỗ bố mẹ, em gái, tổ tiên ông không làm cơm cúng, không thắp hương mà chỉ cắm vài bông hoa tươi để tưởng nhớ.
Những năm gần đây, khi nghe tin nhiều người tìm được hài cốt bằng phương pháp ngoại cảm, nhưng GS Phương cũng không tin là chuyện có thật, ông cho rằng đó là trò lừa bịp. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của nhiều người, ông cũng muốn tò mò thử xem sao.
Để giúp GS Phương, nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã đã bay từ TP HCM ra Hà Nội. Anh Nhã kể với GS Phương rằng, anh từng là một kỹ sư hóa, đảng viên, nhiều năm công tác ở Đoàn Thanh niên TP HCM.
Anh Nhã có khả năng ngoại cảm do học thiền. Anh đã vẽ sơ đồ cả ngàn ngôi mộ và các nhà khoa học thống kê thấy chính xác 60%. Bản thân anh cũng không hiểu vì sao anh có khả năng đó, chỉ biết rằng thông tin đến với anh thế nào thì anh vẽ ra vậy, còn thông tin đúng hay sai, đối với anh cũng vẫn là điều bí ẩn.
“Trận đồ bát quái” của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã
Trong căn phòng làm việc của GS Phương, anh Nhã hỏi vài thông tin về cô Khang, rồi anh lấy một tờ giấy to và mấy cây bút màu ra vẽ bản đồ. Anh Nhã vẽ một cách thư thả, lưu loát, không có vết gạch xóa nào. Trên bản đồ thể hiện con sông uốn lượn, đường to đường nhỏ giao nhau và ghi rõ: Từ bến đò La Tiến đi về hướng đông nam thấy một trường học, đi chừng 1,6km thì đến ngã tư, phía trái ngã tư thấy quán tạp hóa có cửa màu xanh dương, lúc đó rẽ tay phải thấy cái đình.
Đi chừng 1km thì rẽ trái vào con đường nhỏ. Đi tiếp 60m rồi rẽ phải, đi khoảng 45m nữa thì đến mộ. Mộ nằm trên đất nhà cô Nhường, 47 tuổi. Đối diện với mộ là quán ông An, 56 tuổi. Mộ chôn đầu về hướng tây, cách gốc cây đa 4m, trên mộ có một khúc cây dài 4 tấc, một cục gạch vỡ màu nâu đỏ và 5 cây cỏ dại có hoa màu tím nhạt.
Đọc lời miêu tả trên bản đồ thấy hoa cả mắt, nhiều đường loằng ngoằng như vậy thì sẽ rất khó chính xác. Thấy GS Phương có vẻ suy nghĩ, anh Nhã liền bảo: “Tôi sẽ cho GS một tín hiệu để tìm nhé”. Nói rồi anh Nhã ghi vào bản đồ: 13h30 ngày thứ tư 28/7 sẽ có một bé gái chừng 11 tuổi, mặc áo hoa xanh đến gần mộ. Anh Nhã còn dặn tiếp: “Nếu GS đến sớm thì 5 cây cỏ dại có 10 bông hoa tím, nếu đến muộn thì chỉ còn 5 bông”.
GS Phương ngạc nhiên quá liền hỏi: “Anh không biết gì về vùng đất đó, vậy dựa vào cái gì mà anh vẽ tấm bản đồ chi tiết đến vậy?”. Anh Nhã nói: “Tôi thấy trong đầu hiện ra như thế nào thì tôi vẽ như thế, tôi cũng không hiểu”. GS Phương hỏi tiếp: “Còn tên những người như cô Nhường, ông An, sao anh biết?”. Anh Nhã giải thích: “Tôi thấy trong tai có những âm thanh ấy. Có thể là Nhương, Nhường hoặc Nhượng. Cũng có thể là 47 hoặc 87 tuổi. Còn An thì cũng có thể là Am…”.
Trao đổi xong, anh Nhã liền chia tay GS Phương, vào TP HCM để tiếp tục công việc của lãnh đạo một doanh nghiệp. Tin thì ít, ngờ vực thì nhiều, song GS Phương vẫn thử làm theo lời chỉ dẫn của anh Nhã.
Theo chỉ dẫn, gia đình GS Phương vượt 100km từ Hà Nội về bến đò La Tiến. Tuy nhiên, tìm suốt cả buổi mà không thấy dấu hiệu khớp với bản đồ anh Nhã vẽ. Tình cờ lúc đó có một cụ già tên Yên ở làng đi qua, xem bản đồ rồi bảo: Bản đồ này vẽ theo đường ngày xưa, những con đường hầu như đã được nắn lại. Các địa điểm trên bản đồ và thực tế cũng không chính xác về cự ly. GS Phương liền gọi điện cho anh Nhã và anh bảo, miễn là tìm thấy các dấu hiệu như đã tả sẽ thấy phần mộ, còn cự ly thì có thể do anh ước lượng không chính xác.
Tham khảo những người già trong làng về thực địa xưa kia của ngôi làng, cùng với những chỉ dẫn trên bản đồ, GS Phương cũng xác định được các dấu vết như trường học, đình, quán tạp hóa, những con đường, ngõ ngách… Thông tin đã dẫn đến nhà ông Điển, một nông dân trong làng. Ông Điển khẳng định đất trong đê không thể có hài cốt. Ông Điển chỉ cho GS Phương dải đất bãi ngoài đê, cạnh vụng Quạ.
Người dân ở đây gọi là vụng Quạ bởi nơi đây ngày xưa có nhiều quạ bay đến ăn xác chết bị cuốn vào đây. Cạnh vụng Quạ có 3 ngôi mộ vô thừa nhận. Tuy nhiên, không thấy có dấu hiệu nào quanh 3 ngôi mộ như anh Nhã nói nên mọi người lại vào làng.
Trong làng, giữa một mảnh đất khá rộng, có một ngôi nhà quay về hướng nam, có sân gạch, tường hoa, mảnh vườn có những vạt dây lang và cái ao nhỏ. Cạnh đó có con đường làng, đầm sen rộng mênh mông. Phía bên kia đầm sen là đê sông Luộc. Sau ngôi nhà là một vườn chuối. Mảnh vườn phía tây ngôi nhà trồng mít um tùm, dưới đất đầy cỏ dại, toàn một loại hoa bằng hạt thóc màu tím nhạt. Anh Nhã bảo chỗ ngôi mộ có 5 cây hoa màu tím, nhưng trong mảnh vườn này đếm đến cả vạn cây. Đâu đâu cũng thấy gạch vỡ bừa bãi, cành cây mục, như đánh đố những người tìm kiếm.
Ngay chân đê sông Luộc là nhà anh An, 45 tuổi. Nhà xây bằng gạch để ở chứ không bày biện bán hàng như anh Nhã nói. Tuy nhiên, chị vợ anh An cho biết, nhà có một quán hàng ở chợ, song nếu người quanh xóm mua hàng thì vợ chồng anh cũng có để bán. Còn đất bà Nhường? Cả làng không có ai tên Nhường hay Nhượng mà chỉ có bà Nhương, 70 tuổi.
Qua những dấu hiệu trên, có thể kết luận rằng những thông tin dẫn dắt việc tìm đến ngôi mộ đã có đủ, nhưng những dấu hiệu của ngôi mộ thì lại không thấy. Mọi người đành nghỉ ngơi để chờ đến 13h30, xem có cháu bé dẫn đường như anh Nhã miêu tả hay không.–PageBreak–
Lúc đó là trưa hè oi ả. GS Phương chợt nghĩ, ở cái làng hẻo lánh giáp đê này thì kiếm đâu ra một bé gái mặc áo hoa xanh? Mặc dù vậy, GS vẫn phân công mọi người đón các ngả đường dẫn đến nhà ông Điển. Cả giờ đồng hồ đường xá vắng tanh. Quá 15 phút mà vẫn không thấy bóng người. Bỗng một tốp thanh niên cười nói đạp xe từ cuối làng qua. Nhưng tất cả là con trai.
Mấy phút sau thì có một tốp con gái cũng từ cuối làng đi tới. Tuy nhiên, một cháu dường như không muốn đi nữa mà đứng lại. Cháu bé mặc áo màu xanh lá cây, có hai bông hoa in to trước ngực. Cô bé bảo mình đã 15 tuổi, nhưng trông vóc người nhỏ hơn so với bạn bè cùng tuổi.
GS Phương hỏi về những ngôi mộ vô thừa nhận, cháu gái này chỉ mấy ngôi mộ ở vườn chùa ngay cạnh đó. Tuy nhiên, đây là những ngôi mộ của những người chết đói năm 1945. Cô bé lại chỉ 3 ngôi mộ phía ngoài đê, cạnh vụng Quạ. Khi ra chỗ vụng Quạ, cô bé đứng chừng nửa tiếng bên bờ ao trước nhà ông Điển mà không có mục đích gì cả. GS Phương thầm nghĩ: “Phải chăng đó là tín hiệu anh Nhã “điều” cho mình?”. Nhưng rồi cuối cùng không khai thác được gì từ cô bé cả.
Đến chiều, gần như mất hết phương hướng, GS Phương lại gọi điện cho anh Nhã. Anh Nhã bảo GS Phương đi tìm ngôi nhà mà 4 mặt đều sơn màu trắng lốp, trước nhà đầy hoa đỏ.
Mọi người tìm khắp làng chỉ thấy những ngôi nhà màu vàng hoặc xám. Cuối cùng mọi người mới chợt nhận ra cái quán nước bên đường bé tí tẹo, thấp lè tè, đủ kê chiếc giường, bày bán vài thứ hàng lặt vặt được quét vôi 4 mặt trắng xóa. Mọi người tạm cho đó là ngôi nhà. Còn hoa đỏ chính là cái đầm sen trước mặt với một biển hoa đỏ. Khi đó trời đã nhá nhem tối, mọi người phải rút về.
Qua điện thoại anh Nhã dặn GS Phương: “Tìm được quán trắng làm mốc là tốt rồi. Ngày mai sẽ tìm tiếp. Tìm mộ là một quá trình vất vả, không phải một lần là thấy ngay được”.
Sau đó anh chỉ dẫn cho công việc ngày mai: 8h sáng có mặt ở quán sơn màu trắng. Khi đó sẽ có một con chó vàng nâu đến cách đó chừng 10m, nó nhìn xem mình có đi theo nó không, rồi quay đi. Hãy đi theo nó. Nó sẽ đi hơn 100m rồi dừng lại ngửi và bới.
Cần quan sát khu vực đó để tìm những dấu hiệu phần mộ như đã ghi trên bản đồ. Nếu tín hiệu trên không xuất hiện thì hãy tìm một con chó vàng nằm ốm một chỗ rồi đánh dấu chỗ đó mà đào.
Hôm sau, mọi người chờ mãi không thấy con chó nào xuất hiện liền chia nhau vào trong làng tìm. Trong làng nhà nào cũng thấy nuôi chó vàng và hễ thấy ai vào là chúng lao ra sủa ầm ĩ. Tìm kiếm mãi rồi cũng thấy một con chó vàng nằm ệp trong nhà cụ Nhờ. Nhưng con chó không phải ốm mà nó chửa, rồi không ăn cơm, cứ nằm im một chỗ.
Mọi người đổ ra khắp ngả tìm kiếm quanh vòng tròn bán kính 10m, lấy tâm điểm là nơi con chó nằm. Thế rồi mọi người phát hiện ra một gốc cây đổ bằng bắp chân, bị vạt rau lang vùi lấp. Cách gốc cây chừng 2m có mấy viên gạch vỡ màu nâu đỏ. Cách mấy viên gạch vỡ đó chừng 3m về hướng đông thì có cây cam cạnh bức tường. Có 5 gốc cây dây leo mọc bên cây cam và bám vào tường. Mọi người đếm kỹ thì thấy mỗi cây có 2 bông hoa tím nhạt, to bằng ngón tay.
Qua điện thoại, anh Nhã hướng dẫn: Từ gốc cây đổ đến dây hoa tím vẽ thành một hình tam giác rồi đứng vào giữa, đánh dấu lại. Lấy một chiếc đũa cắm vào, rồi tự tay GS đặt một quả trứng lên đỉnh chiếc đũa. Nếu quả trứng nằm im thì đào chỗ đó, còn trứng rớt xuống thì cắm lùi ra nửa mét.
Tuy nhiên, GS Phương hết đặt đứng lại đặt nằm, quả trứng vẫn lăn bịch xuống đất. GS Phương bực mình nghĩ: Chỉ tại cái đũa chết tiệt. Đầu đũa tiết diện nhỏ quá mà lại không phẳng thì làm sao mà đặt cho cân được. Ông liền lùi lại nửa mét, cắm chiếc đũa và đặt quả trứng. Kỳ lạ quá, quả trứng nằm im trên đầu đũa.
GS Phương khá ngạc nhiên nhưng ông không tin có sự can thiệp của linh hồn người chết, bởi theo ông trên đời làm gì có linh hồn, mà nếu có linh hồn thì nó cũng đâu phải là một lực tác động vật chất?
Trước khi tiến hành đào bới, mọi người tạm nghỉ, ra bến đò La Tiến ăn cơm. Trời đang nắng gắt bỗng giông gió nổi lên, mây đen ùn ùn kéo đến rồi mưa tầm tã suốt một giờ đồng hồ. Tạnh mưa, mọi người quay về thì sửng sốt khi thấy quả trứng vẫn yên vị trên đầu đũa. Chẳng lẽ khi mưa, bao giờ cũng có hai giọt nước rơi cân bằng xuống hai đầu quả trứng? Chẳng nhẽ gió to như vậy mà không có tác động gì? Theo lời GS Phương, khi ông gỡ quả trứng ra khỏi chiếc đũa, hai tay ông cảm giác như có lực hút nhẹ. Ông nghĩ: Phải chăng nước mưa đã làm giãn nở quả trứng và chiếc đũa tre khiến cho quả trứng gắn chặt vào đầu đũa?
Hai tốp thợ thay nhau đào sâu, rộng như lời anh Nhã nói. Rồi đào thêm về hướng nam vài mét. Tuy nhiên, đào đến tối mịt, hố sâu đến gần 3m mà vẫn chỉ thấy đất và cát. Mọi người đều tỏ ra chán nản và cảm thấy “thầy” Nhã đã hết “phép”. Mặc dù vậy, GS Phương vẫn quyết định phải tiếp tục tìm kiếm, hy vọng tìm được hài cốt em gái.
Ngày thứ ba, rồi ngày thứ tư, gia đình GS Phương tiếp tục tìm kiếm, thậm chí vượt cả sang bên kia sông, thuộc đất Thái Bình để đi tìm những địa danh giống như trên bản đồ “thầy” Nhã vẽ, kết cục là sự chán nản, mất hết niềm tin. GS Phương cũng như những người con, anh em, đều là những nhà khoa học, vốn đã không tin những chuyện tâm linh, nay trực tiếp đi tìm mộ không thành thì lại càng mất niềm tin vào các nhà ngoại cảm. Tất cả các hướng tìm kiếm như trên bản đồ và sự chỉ dẫn của anh Nhã coi như tắc tị.
GS Phương chợt nghĩ: “Ông Nhã này đánh đố mình. Ông ấy bày ra cả một “trận đồ bát quái” rồi bảo mình đi tìm cho đủ. Lục tìm cả đất nước này chưa chắc đã có nơi nào khớp với cái “trận đồ bát quái” của ông”. Nhưng GS Phương lại nhớ đến lời của anh Nhã rằng khả năng tìm mộ của anh chỉ trúng 60%, vậy thì chẳng có lý gì để thắc mắc khi trường hợp của mình rơi vào 40% kia?
Tìm được hài cốt nhờ “gọi hồn”
Mọi người đồn đại rằng, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có khả năng “gọi hồn”, song GS Phương vẫn không tin trên đời lại có linh hồn. Việc gặp chị Hằng ngoài tìm kiếm thông tin về ngôi mộ cũng là kiểm nghiệm xem có linh hồn thật hay không. Buổi tiếp xúc với nhà ngoại cảm hôm đó chỉ có GS và hai chị em gái của ông. GS dặn trước hai người không được nói gì kẻo để lộ thông tin cho “thầy bói nói dựa”.
Khác với anh Nhã, chị Hằng yêu cầu GS đặt lên bàn một chiếc cốc, một vốc gạo để cắm hương, một ngọn nến và một bức ảnh của cô Khang. Khi đó chị Hằng nói rằng: “Bác không thờ trong căn phòng này bao giờ nên có thể cô Khang khó về”. Nghe chị Hằng nói vậy, GS Phương giật mình. Chẳng những ông không thờ bao giờ mà từ 10 năm nay ông không ở ngôi nhà này, mà giao cho con ở.
Sau đó, theo lời kể của GS Phương, “linh hồn” cô Khang đã về theo tiếng gọi của chị Hằng. Chuyện này được ông chép lại rất tỉ mỉ:
Sau mấy phút dán mắt vào tấm hình cô Khang, chị Hằng bỗng hớn hở: “Cháu chào cô ạ. Cháu là Phan Thị Bích Hằng. Bác Phương nhờ cháu mời cô về để hỏi hài cốt của cô hiện nay ở đâu?”. Rồi chị Hằng quay sang phía GS Phương hạ giọng: “Có một người đàn ông về đây cùng với cô Khang. Chú ấy nói tên là Sơn”. GS Phương rùng mình xúc động. Người tên Sơn chính là người anh, người đồng chí, người bạn thân thiết nhất của ông đã hy sinh.
Qua “phiên dịch” của chị Hằng, “linh hồn” cô Khang nói: “Anh không có duyên rồi. Anh đi tìm em, đối mặt với em rồi mà không đến được với em. Từ hôm anh đến, mấy chị em trong Đội Hoàng Ngân của em cứ bảo sao lâu không thấy anh Phương trở lại. Chỗ em nằm chỉ cách chỗ anh đào ba bước chân về phía bờ ao”.
GS Phương hỏi: “Vậy em nằm trên vườn hay dưới ao?”. “Đến bờ ao cũng còn 3 bước chân nữa. Phía trên em chừng 2m là chị Nguyễn Thị Bê, đội viên Đội Nữ du kích Hoàng Ngân, quê ở ngay làng La Tiến. Cách chỗ em nằm cũng chừng 2m về phía đông là một người đàn ông bị bắt từ Hải Dương về, em không biết tên, ba cái mộ dường như nằm trên một đường thẳng. Hai người kia bị giết cùng một ngày với em.
Chúng cột tay ba người lại với nhau rồi vứt xuống sông lúc nửa đêm. Dân phòng ta có đi tìm nhưng không thấy. Mãi mấy ngày sau xác mới nổi lên. Dân vớt được mới đem về đây chôn. Xa hơn còn 7 người nữa cơ. Mấy người nổi lên trước thì dân còn cho được manh chiếu, còn nổi lên sau thì đến manh chiếu cũng không có nói gì đến quan tài”.
Sau đó, “cô Khang” còn chỉ dẫn tỉ mỉ chỗ cô nằm, với các đặc điểm về cây cỏ xung quanh mà GS Phương nhận ra ngay. GS Phương hỏi tiếp: “Em có biết chỗ em nằm thuộc đất của ai không?”. “Cô Khang” bảo không biết đang nằm trên đất của ai.
Chị Hằng nhìn vào khoảng không hỏi: “Hài cốt của cô còn nguyên vẹn không?”, thì “cô Khang” nói với GS Phương: “Chúng đánh em gãy xương sườn, gãy xương cánh tay và xương đòn tay bên phải, gãy hai chiếc răng hàm trên bên phải, dập gò má bên trái. Xương cốt hiện nay vẫn còn nhưng đã mủn, vì chôn có quan tài đâu”.
GS Phương hỏi với ý tứ điều tra: “Răng em màu gì?”. “Bây giờ màu đen”. Ông vội cãi: “Nhưng trước đây răng em trắng cơ mà?”. “Cô Khang” nói tiếp: “Em chưa nói hết. Răng em đen xỉn do bùn đất ngâm vào chứ không phải đen hạt na. Ngày xưa, các anh ấy hay trêu em là có hàm răng đẹp nhất, tươi tắn nhất đội du kích. Nếu anh có đào nhầm sang mộ khác thì anh vẫn có thể nhận ra ngay, vì hàm răng của em không thể lẫn được.
Cả khuôn mặt em cũng vậy. Tuy gò má bên trái có bị dập, nhưng cả khuôn mặt thì vẫn còn. Anh có thể dễ dàng nhận ra em. Nhưng khi đào anh phải cẩn thận, vì chỉ cần xúc một xẻng đất là nó vỡ ra ngay”.
Nghe “cô Khang” nói vậy, GS Phương xúc động trào dâng. Mặc dù chỉ được nhắc đến một cách kín đáo, nhưng ông nhận ra ngay những đặc điểm của người em gái. Người con gái đã lìa đời 50 năm mà vẫn không quên niềm tự hào về nhan sắc của mình, được các chàng trai ngưỡng mộ. Nghĩ vậy, lòng ông chợt xót xa.
“Cô Khang” còn dặn tiếp: “Khi đào, anh chú ý cổ tay em vẫn còn cái vòng bằng sắt. Thực ra đó là cái còng sắt chúng xích tay em vào tay người đàn ông bị bắt ở Hải Dương”. GS Phương hỏi: “Nếu tìm được hài cốt của em thì đưa em về quê mình, cạnh mộ bố mẹ hay là đưa em về nghĩa trang liệt sĩ của huyện, nơi anh Sơn đang nằm?”.
“Cô Khang” nói: “Mẹ bảo em rằng: Con là phận gái thì về với bố mẹ để sau này cháu chắt còn viếng thăm, hương khói cho con. Nhưng anh Sơn thì bảo: Em đã đi theo Đội du kích Hoàng Ngân em cứ về nghĩa trang liệt sĩ. Tổ quốc ghi công mình đời đời người ta thắp hương cho mình chứ đâu chỉ có con cháu trong gia đình”.
Sau một hồi GS Phương trò chuyện cùng em gái, thì “anh Sơn” lên tiếng “trò chuyện” với ông. GS Phương xúc động quá, không kìm được lòng, thốt lên như muốn khóc: “Trời ơi, anh Sơn!”.
Người tên Sơn hơn GS Phương 4 tuổi, từng là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Sơn Tây, Hà Đông, được điều vào bộ đội khi thành lập Đại đoàn 320 làm Trưởng ban Tuyên giáo của Đại đoàn. Anh hy sinh trong chiến dịch Hà Nam Ninh, vào tháng 6/1951.
Để kiểm nghiệm tiếp tính xác thực của “linh hồn”, GS Phương đưa cho chị Hằng bức ảnh đã thủ sẵn trong túi định bụng sẽ hỏi “linh hồn” về người này, nếu “linh hồn” không nhận ra thì hẳn là chuyện tào lao, những câu giao tiếp như với “linh hồn” chỉ là do Hằng bịa ra cho sinh động.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng xem ảnh và bảo đúng là bác Sơn, nhưng trông già hơn trong ảnh. Thực tế, bức ảnh chụp năm 1948 trong tư thế rất bảnh trai, khi GS Phương đang công tác ở Sơn Tây.
“Anh Sơn” nói: “Chú tìm em Khang mà không nói với anh một câu. Lần sau báo trước cho anh, anh sẽ dẫn đường chú đến tận nơi. Ai khoanh cho chú chỗ ấy là họ hiểu biết đấy. Cũng may là khúc sông ấy hơi cong lại, xác em mình dạt vào, nếu không đã trôi tuột đi rồi”. GS Phương hỏi: “Anh bảo sẽ dẫn đường cho em, nhưng làm cách nào em nhận ra được?”.
“Anh Sơn” nói tiếp: “Anh không thể nắm tay chú nhưng anh sẽ tìm một con vật nào đấy, con ong, con bướm chẳng hạn, rồi sai khiến nó để nó dẫn đường cho chú. Chú cứ đi theo nó đến chỗ nó đậu”.
GS Phương còn hỏi ngày giỗ cô Khang là ngày nào thì “cô Khang” trả lời: “Đối với anh Phương thì ngày nào mà giỗ chả được. Em bị chúng nó bắt có được bóc lịch đâu mà biết ngày. Chỉ nhớ một hôm vào khoảng 18 hay 19 gì đó thằng quan tư bảo: “Bọn mày cứng đầu đến ngày 24 mà không khai thì bắn bỏ”. Anh cứ lấy ngày ấy là được, còn ngày âm lịch thì em không biết là ngày nào”. Sau này so ra thì mới biết ngày 24/5/1950 là ngày 10/5 âm lịch.
Sau khi trao đổi vài thông tin quanh chuyện tìm mộ thì “linh hồn” cô Khang và anh Sơn biến mất. Khi đó, cuộn băng ghi âm 90 phút cũng vừa hết. GS Phương đã nghe đi nghe lại cả trăm lần cuốn băng này và ông không thể nào bác bỏ những sự thật hiển nhiên của cái gì đó gọi là “linh hồn”. Vậy nên, ông tiếp tục tiến hành cuộc tìm mộ người em gái lần thứ hai.
GS Phương cùng anh em trong nhà tiếp tục xuống địa điểm đào bới lần trước. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cùng đi để chỉ địa điểm cho chính xác. Chị Hằng đến gần gốc nhãn, ngắm nghía một lát rồi cắm hương xuống đất. Lấy bó hương làm tâm, chị vạch một ô hình chữ nhật để đào.
Nhìn bó hương của chị Hằng, GS Phương thấy nó cách chỗ đặt quả trứng lần trước 2m ra phía bờ ao, nhưng lại lui về hướng đông 1m. So với điểm con bướm đậu và cây que thì cũng xê dịch chừng 1m về hướng đông.
Trong khi thợ đào đất chuẩn bị làm việc, nhà ngoại cảm Bích Hằng đặt ảnh cô Khang dưới gốc cây vải phía cuối cái hố rồi nói: “Thưa cô, chỗ cô nằm thì cháu đã vạch theo tọa độ cô chỉ dẫn rồi, cô xem đã thật chính xác chưa để chỉ bảo cho cháu. Còn hài cốt thì như hiện trạng cháu nhìn thấy còn rất ít, khi bốc lên có thể mủn ra. Vậy xin cô cho phép bốc lẫn cả đất mang về. Nếu không được đầy đủ thì cô cũng thông cảm cho…”.
“Anh Sơn” nói chen vào qua sự “phiên dịch” của Bích Hằng: “Cứ bốc cho bằng hết, dù ít dù nhiều thì cũng là máu thịt của em mình. Không bỏ vừa trong tiểu thì đắp lên mộ cho em”.
“Cô Khang” lại nói tiếp: “Nếu có cách gì làm cho cụ Đặng Đình Giám sống lại thì gia đình mình khỏi mất công đi tìm kiếm. Rất tiếc là đã gặp cụ ở âm phủ mất rồi. Em bị chúng nó ném xuống sông, khi xác nổi lên gặp lúc triều cường, dạt vào một khúc quanh nên được cụ Giám vớt lên kéo qua một cái rãnh nước. Cụ bảo: Mấy vị chết ở đây, nếu đói khát, khi nào ông An lên hương thì vào mà xin lộc”.
Sau một hồi trò chuyện trên trời, dưới bể liên quan đến những hài cốt ở quanh khu vườn, chị Hằng “xin phép cô Khang” cho bắt đầu đào mộ.
Đào hết lớp đất “vượt thổ” thì chị Hằng ra lệnh cho thợ ngừng đào. Chị nhảy xuống hố lấy dầm gạt nhẹ từng lớp cát đen. Chưa đến một gang tay thì vướng ngay vào thanh củi mục. Nạy lên, ngâm vào nước thì nhận ra đó là một khúc tre già, ruột tre đã phân hủy hết, nhưng đốt và cật tre thì vẫn còn nguyên. Mọi người đều kinh ngạc khi biết thông tin về cái cán thuổng đã được báo trước.
Riêng GS Phương thì mừng khôn xiết vì đây là dấu hiệu đáng tin cậy nhất để nhận biết nấm mộ này đích thực là mộ em gái ông. Cái cán thuổng (nhà ngoại cảm nói trước đó rằng, khi người chôn xác đào đất bị gãy thuổng đã chôn luôn cán làm dấu) đã bị vùi dưới đất cách đây 50 năm, người đời không ai tạo ra nó và cũng không thể nhìn thấy nó được. Sự chính xác đã đạt đến mức chi tiết.
Sau khi tìm thấy cán thuổng, chỉ gạt vài lớp cát mỏng là phần cốt cô Khang hiện ra. Khi chôn, người ta đã đặt cô nằm nghiêng, người hơi cong, mặt nhìn về hướng nam, đầu về hướng đông, chân về hướng đông nam, trùm lên sọ là một mảng tóc đen, rồi đến đốt xương cổ nhìn rất rõ. Nhưng khi bốc lên thì tóc vụn ra như tro, những đốt xương nguyên vẹn mủn ra như những chiếc bánh quy thấm nước.
Mọi người cũng tìm được 5 chiếc răng. Xem xét kỹ thì đúng là răng trắng (chứ không phải nhuộm đen như phụ nữ thời đó), nhưng do ngâm lâu trong bùn nên ngả sang màu đen xỉn. Còn chiếc còng sắt thì tìm mãi không thấy. GS Phương nhận định, có thể qua nhiều năm trong bùn đất nó đã han gỉ rồi tan vào đất mất rồi.
Sau khi tìm mộ, nhà ngoại cảm Bích Hằng nói với GS Phương: “Lần này đi tìm mộ cô Khang, cháu thương cô quá. Cháu hỏi cô rằng cô chỉ cho cháu móng tay cô ở đâu để cháu tìm thì cô giơ hai bàn tay lên trước mặt cháu, nói: Chúng nó rút hết móng tay của cô rồi còn đâu mà tìm”. GS Phương bàng hoàng kinh ngạc vì điều này chỉ có mình ông biết.
Sau khi cô Khang bị giặc sát hại, Huyện ủy Phù Cừ gửi riêng cho ông một bản báo cáo kể rõ cô Khang bị bắt, bị tra tấn, bị giết hại như thế nào. Trong những cực hình mà địch sử dụng có việc dùng kìm rút hết móng tay, rồi cắm kim vào đó. Chúng còn gí điện, xiên gậy vào người rồi treo lên cành cây mà đấm đá đến chết.
Khi nhận được bản báo cáo đó, ông Phương đã khóc rất nhiều, tuy nhiên, ông giữ kín điều này, không cho ai biết để rồi phải đau lòng. Khi được chị Hằng kể lại điều đó, ông có một niềm tin chắc chắn người nằm dưới mộ đích thực là em gái của ông, không ai khác được.
Công việc thu vét hài cốt xong xuôi thì nắng chiều đã tắt. Mọi người vây quanh gốc cây vải, nơi đặt bàn thờ tạm. Đến nhá nhem tối, gia đình GS Trần Phương mới đưa hài cốt của cô Khang về nhà. Hai ngày sau, lễ truy điệu nữ du kích anh hùng Trần Thị Khang (tên thật là Vũ Thị Kính) đã diễn ra trang trọng tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện với sự có mặt của hàng ngàn người.
Khuôn mặt của GS Phương đầy vẻ xúc động và mãn nguyện. Nỗi day dứt sau nửa thế kỷ của ông là lời hứa với mẹ sẽ tìm hài cốt em gái về giờ mới thực hiện được. Tuy nhiên, những bí ẩn của thế giới tâm linh huyễn hoặc sẽ vẫn còn ám ảnh ông mãi mãi, bởi ông là một nhà khoa học, không tìm ra được lời giải cho những hiện tượng kỳ bí này, lòng ông khó có thể nguôi ngoai…
Nhà nghiên cứu, đại tá Đỗ Kiên Cường, phân viện phó Phân viện Vật lý y sinh học, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng): Các lí do nghi ngờ ngoại cảm:
1. Sự tiến bộ không ngừng là tiêu chí của một khoa học tốt, nhưng môn ngoại tâm lý thì không đạt được một tiến bộ đáng kể nào sau cả trăm năm.
2. Ngoại cảm được định nghĩa một cách khác thường, không phải theo nghĩa nó là cái gì mà theo nghĩa nó không là cái gì!
3. Các tuyên bố về chứng cứ khoa học của ngoại cảm thường bị cách ly khỏi quan điểm thông thường của môn thống kê học.
4. Các nghiên cứu ngoại cảm thường mắc lỗi giản lược trong phương pháp luận.
5. Ngoại cảm không liên quan với bất cứ một lý thuyết khoa học đã được xác lập nào.
6. Tính lặp lại là điều cốt tử của các khoa học thực nghiệm. Ngoại cảm không thỏa mãn tiêu chí này.
7. Ngụy tạo, lừa gạt là bạn đồng hành với ngoại cảm trong suốt tiến trình lịch sử.
Nhờ nhà ngoại cảm, tìm được em trai 60 năm thất lạc
Họ đã phối hợp với các nhà ngoại cảm tìm được trên 10 ngàn hài cốt liệt sĩ. Ba cơ quan là Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng, Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ văn hóa truyền thống cũng đã phối hợp với nhau thực hiện các đề tài nghiên cứu các nhà ngoại cảm từ hơn 10 năm nay.
Tổng kết các đề tài cho thấy, có đến trên 60% các cuộc tìm kiếm thành công. Với số lượng và tỉ lệ hài cốt tìm được như trên có thể nói rằng, việc tìm được hài cốt mất tích không thể là ngẫu nhiên. Ngoài việc tìm thấy hài cốt thất lạc, các nhà khoa học cũng đã ứng dụng khả năng của các nhà ngoại cảm vào những công việc khác.
Một chuyện gây sửng sốt trong giới khoa học diễn ra gần đây là việc nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện đã tìm được một người còn sống sau 60 năm thất lạc.
Trong căn nhà đơn sơ ở thôn Trung Thịnh (Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Tây) ông Vũ Đức Thật, 70 tuổi, không nén được xúc động khi kể về hành trình đi tìm người em trai vẫn còn sống sót sau 60 năm thất lạc.
Ấy là năm Ất Dậu 1945, cả nước phải hứng chịu cảnh tang thương đói khát. Dù khi đó mới chưa đầy 9 tuổi, song ký ức về những ngày đói khát vẫn còn hằn in trong ông rõ mồn một. Nạn đói đã cướp đi mạng sống của cha và 2 người trong số 5 anh em nhà ông.
Người cha đã chấp nhận chết đói để ông và mấy anh em có được mẩu củ chuối, mẩu rãi khoai giành giật cuộc sống với tử thần. Để tiếp tục sống, ông Thật và người chị gái là Vũ Thị Quặng (77 tuổi, hiện đang sống ở thôn Họa Đống) phải đi làm thuê, ở đợ mỗi người một phương cho nhà giàu.
Ba tháng sau khi cha mất, trên đường đưa người em út đi tha phương cầu thực, mẹ ông đã qua đời vì không chống lại được cơn đói. Mấy chị em ông Thật cũng mất mẹ và cậu em út từ lúc đó luôn. Khi đó, người em tên Thà của ông mới có 4 tuổi.
Người ta mang xác mẹ ông đi đâu cũng không rõ. Trong thâm tâm ông, cậu em út chắc chết đói ở đâu đó và được người ta đem chôn vào hố chôn tập thể rồi.
Gần đây, khi một người trong làng Trung Thịnh tìm được hài cốt liệt sĩ thất lạc qua các nhà ngoại cảm thuộc sự quản lý của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng, đã nhen lên trong ông niềm hy vọng. Ông cũng thử tìm đến cơ quan này để nhờ với hy vọng mong manh.
Được sự hướng dẫn của các nhà khoa học, ông Thật cùng người con trai cả được tiếp xúc với nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện. Trước nhà ngoại cảm, ông Thật trình bày nguyện vọng muốn tìm hài cốt người mẹ và em trai thì cô Nguyện nói với ông: “Cứ tìm xong mẹ đã rồi hãy tính đến em”.
Nhà ngoại cảm thắp nén nhang, rồi như chăm chú nhìn vào khoảng không, cô nói với ông Thật: “Năm 1945, khi mẹ ông dắt theo người em út từ quê ra đến Thanh Trì (Hà Nội), qua ngôi chùa thuộc thôn Triều Khúc, xã Tân Triều thì qua đời do mệt và đói. Người dân qua đường đã chôn cất mẹ ông vào bãi tha ma của làng, nhưng sau này người ta di chuyển bãi tha ma đi để xây dựng khu nhà cao tầng tái định cư. Xương cốt mẹ ông hiện nằm trong khu đất ở của một người có tên chữ cái đầu là C”.
Ông Thật nghe vậy thì thực sự kinh hoàng. Ông chưa nói bất cứ thông tin nào về người mẹ và em trai mình, kể cả các nhà khoa học, vậy mà chị Nguyện nói rất chính xác. Ông cảm tưởng như chị đang nhìn vào màn hình chiếc tivi vô hình đặt trong khoảng không đang phát ra những gì diễn biến tại ngôi chùa làng Triều Khúc cách nay 60 năm.
Sau khi mô tả xong, chị Nguyện lấy giấy bút vẽ lại rất tỉ mỉ sơ đồ nơi có hài cốt của mẹ ông Thật. Cầm tấm sơ đồ khá chi tiết trên tay, lòng ông không khỏi nghi ngại, phấp phỏng: Liệu gia đình có may mắn tìm được hài cốt mẹ mình hay không?
Nhưng rồi, sự việc cứ thế trôi chảy, sau hai ngày tìm kiếm theo sơ đồ và sự hướng dẫn thêm qua điện thoại, ông Thật đã tìm được hài cốt của mẹ mình dù chỉ còn những mẩu nát vụn do khi chôn không có quan tài và đã 60 năm không được sang cát.
Kỳ lạ thay, những thông tin như ngôi mộ nằm dưới gốc cây hồng xiêm, cạnh ngõ, chân nằm dưới tường nhà anh Triệu Văn Cường… đều đúng như chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện. Trong niềm xúc động lẫn vui mừng, ông Thật lại tìm gặp các nhà khoa học với những hy vọng sẽ tìm được… hài cốt em trai mình.
Sau khi trình bày kết quả tìm mộ mẹ mình, ông Thật nhờ chị Nguyện tìm tiếp mộ người em trai như lần trình bày trước. Sau một thoáng chau mày, nhìn vào không gian, chị Nguyện nói với ông Thật: “Không thể tìm được hài cốt em trai ông, vì ông… chưa chết”.
Nghe chị Nguyện nói thế, ông Thật và người con trai cả lặng đi, không nói nên lời. Sau khi trấn tĩnh, ông hỏi lại chị Nguyện rằng ông nghe lời chị chưa rõ: “Cô vừa nói gì thế ạ?”. Chị Nguyện tiếp: “Em trai ông hiện nay vẫn còn sống. Năm 1945, ông ấy đi cùng mẹ, khi bà chết, một người đã bế ông ấy đi theo hướng Cao Bằng – Lạng Sơn”.
Khi nghe được thông tin này, các nhà khoa học lập tức vào cuộc, theo dõi sát sao và ghi nhận lại khả năng “nhìn” xuyên không gian, thời gian để tìm người còn sống của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện. Nếu khả năng này có thật thì đây sẽ là kỳ tài, các nhà khoa học sẽ phải bỏ nhiều công sức nghiên cứu, theo dõi tiếp.
Tiếp tục nhắm nghiền mắt như trạng thái “xuất hồn”, chị Nguyện đã xác nhận người em trai của ông Thật hiện đang sống ở một vùng đất thuộc thành phố Thái Nguyên. Sau đó, chị Nguyện bật băng ghi âm và nói rằng: Vì người còn sống nên không vẽ sơ đồ mà chỉ cần tả đường đi, rồi cứ theo lời tả mà tìm sẽ thấy.
Cầm cuốn băng về, ông Thật và con cháu nghe đi nghe lại. Thật khó có thể tưởng tượng nổi vì sao chỉ ngồi một chỗ mà nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện lại có thể tả chi tiết đến từng cây cầu, con suối, từng kilômét đường đi. Trong niềm khấp khởi người em còn sống, ông và con cháu sắp xếp lên đường nhanh chóng tìm lại em mình.
Hôm sau, ông Thật và một số người thân lên đường. Lần đi đầu tiên này, ông đi với mục đích chủ yếu là tìm hiểu địa bàn. Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi theo hướng nhà ngoại cảm chỉ, ông cũng gặp “hai cầu cao và một cái cống nhỏ” có hình dáng, đặc điểm giống như lời mô tả trong băng.
Tuy nhiên, đi thêm một đoạn thì có đến 5 cái cống nhỏ nữa, cái nào cũng có hình thù giống nhau. Ông Thật và các con cháu chia nhau thành nhiều ngả, vào các làng xóm quanh khu vực hỏi han, song không ai biết chút thông tin gì về người em Vũ Văn Thà của ông. Mất phương hướng cộng với việc không liên lạc được với nhà ngoại cảm, bố con ông đành quay về.
Tìm gặp chị Nguyện để báo cáo kết quả của ngày tìm kiếm đầu tiên, ông được chị cho biết rằng ông đã đi sai hướng. Theo nhà ngoại cảm, hướng đúng phải là Thái Nguyên – Bắc Kạn. Vậy là cuộc tìm kiếm lại quay về điểm xuất phát.
Lần này, ông Thật và người con trai cả lên đường từ rất sớm theo đường chính từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi Bắc Kạn. Khi nhận thấy các thông tin về địa hình, địa vật đã khá chính xác, ông cẩn thận liên lạc với chị Nguyện thì được chị chỉ dẫn ngay: “Bác đã đi quá 5km, phải lùi lại rồi rẽ phải vào khu vực gần ga ấy”.
Trong thâm tâm ông nghĩ rằng, mọi chuyển động của bố con ông đều được nhà ngoại cảm đặc biệt kia nhìn thấy. Quay lại khoảng 5km, hai cha con ông rẽ phải theo hướng dẫn thì đến ga Quán Triều. Theo lời nhà ngoại cảm, trên đường đi sẽ gặp một doanh trại bộ đội. Đi tiếp 3km thì vào địa phận xã Cù Vân, thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Lúc ấy đã là giữa trưa, các ngả đường bố con ông đã đi qua hết để tìm kiếm dấu hiệu như nhà ngoại cảm miêu tả, song tin tức về người em trai vẫn bặt vô âm tín. Bao nhiêu hy vọng trong ông đã vơi đi rất nhiều.
Có thể, ông không có duyên tìm được em trai mình dễ dàng như tìm thấy hài cốt mẹ. Nếu người em ông còn sống mà ông lại không tìm được thì những ngày cuối đời ông sống cũng không an lòng.
Buổi chiều, ông Thật tiếp tục gọi điện cho nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện để xin thông tin điều chỉnh và trình bày cả những băn khoăn trong lòng thì thật bất ngờ khi được chị hướng dẫn: Vẫn còn một con đường nhỏ bên trái dẫn vào chân núi. Loay hoay mãi rồi bố con ông Thật cũng tìm thấy một con đường nhỏ lẫn vào những tán cây mà bố con ông không để ý.
Đi sâu 1km vào phía chân núi, ông nhận ra một ngôi nhà đúng như lời chị Nguyện mô tả, chỉ khác là bên trái không có cái ao nào. Tim đập thình thịch, ông Thật lò dò bước vào căn nhà đó với bao nhiêu hình dung về khuôn mặt người em trai đã thất lạc từ hơn 60 năm trước.
Tuy nhiên, người chủ nhà đó lại là ông Nguyễn Văn Chắc. Qua trò chuyện được biết ông Chắc là người còn cả bố mẹ và anh em. Vừa thất vọng, vừa không giấu được lòng mình, ông Thật đem câu chuyện về người em trai đã mất tích mấy chục năm kể cho ông Chắc.
Không ngờ, ông Chắc cho biết trong vùng cũng có một người chừng tuổi như thế, được một người ở đây đưa về làm con nuôi từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, người đàn ông đó tên là Khương Văn Thông chứ không phải Vũ Văn Thà.
Nhận lời dò hỏi giúp, ông Chắc khuyên hai cha con ông Thật nên quay về đợi tin vì theo ông việc này không chắc chắn lắm, vả lại cũng không thể kết luận ngay được.
Suốt 10 ngày ở quê, ông Thật sống trong thắc thỏm lo âu và hy vọng, song không thấy tin gì báo về. Không có tin của người đàn ông tên Chắc thì coi như hết hy vọng. Đúng dịp đó thì có một chị cùng xóm tên là Cần bảo rằng sắp tới sẽ về xã Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên) thăm mẹ đẻ. Chị Cần mới làm dâu ở làng ông Thật mấy năm nay.
Ông Thật vội vàng lấy mảnh giấy viết mấy chữ: “Tháng 12/1945, mẹ Trương Thị Vòng có đưa em Vũ Văn Thà đi, sau khi mẹ mất có người đã nhận và đưa em lên Thái Nguyên làm con nuôi…”.
Về xã Cù Vân, chị Cần đưa cho người đàn ông tên Thông mảnh giấy ghi mấy dòng chữ đó. Đọc những dòng chữ đó, ông Thông rơm rớm nước mắt. Ngày đó ông còn quá nhỏ, không nhớ được điều gì, nhưng khi lớn, trong những buổi sum họp gia đình, cha mẹ nuôi ông thường hay kể rằng, ông bà mua ông bằng một thúng gạo của một người lạ mặt.
Người lạ mặt đó cũng kể rằng họ “nhặt” được ông dưới Hà Nội, khi mẹ ông chết đói. Cha mẹ nuôi ông không có con, đã nhận ông làm con nuôi, đặt tên cho ông là Khương Văn Thông và lấy năm khai sinh là 1945. Nặng ân nghĩa với cha mẹ nuôi, ông Thông coi họ như cha mẹ ruột của mình, hết lòng phụng dưỡng khi sống và hương khói thờ tự khi họ qua đời.
Nhưng tuổi càng cao, nỗi mong ngóng tìm về quê quán, cội nguồn càng xót xa. Ký ức đau thương thời thơ ấu dù lớn thế nào cũng không còn chút gì trong ông. Nhận được lá thư của người đàn ông lạ, nhưng như có linh tính mách bảo, ông Thông lập tức hồi âm với những lời lẽ tha thiết mong sớm được gặp mặt ông Thật.
Ngay sau ngày nhận được thư của ông Thông, hai cha con ông Thật lại lên đường đi Thái Nguyên. Thật kinh ngạc khi cảnh vật nơi ông Thông ở đúng như lời mô tả trong băng ghi âm: “Từ mặt đông bắc trông ra, tay phải là bếp, tay trái là ao. Tiến vào một chút là vườn cây, vườn rau. Có hai nếp nhà và lên nhà phải qua bậc thang”.
Lòng trào dâng xúc động, nhưng ông Thật vẫn có phần e ngại vì hình dạng ông Thông khá khác biệt so với dự đoán của nhà ngoại cảm. Ông Thông cao hơn và khắc khổ hơn chứ không “trẻ hơn và thấp hơn”.
Qua chỉ dẫn, người con ông Thật tìm gặp bà Tiễn (84 tuổi, là con nuôi lớn của bố mẹ ông Thông, thường tắm cho ông Thông khi nhỏ, hiện sống ở làng cạnh), và được bà kể mọi chuyện về thời thơ ấu khổ đau, lưu lạc của ông Thông y như nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện mô tả.
Không còn nghi ngờ gì nữa, anh vừa khóc vừa chạy về với chú ruột của mình. Trong lúc anh con cả của ông Thật đi “điều tra”, ông Thật cũng “kiểm tra” tiếp bằng cách điện thoại về cho nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện.
Kỳ lạ thay, ông Thật chưa kịp trình bày nỗi băn khoăn, chị Nguyện đã nói ngay: “Ông Thông chính là người em trai bị thất lạc của ông hơn 60 năm trước, ông không phải lăn tăn, điều tra gì nữa”.
Bao nhiêu tình cảm và mong chờ trong những ngày tìm kiếm chợt vỡ òa. Hai anh em ông Thật và ông Thà ôm chầm lấy nhau trong nước mắt chứa chan. Hôm sau, hai anh em về quê. Đón họ là những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi của con cháu, xóm làng.
Sau khi thắp nhang khấn vái bên mộ cha mẹ, trước bàn thờ tổ tiên và họ hàng thân thiết, ông Thông đã được nhận lại tên họ, quê hương, bản quán của mình sau hơn nửa thế kỷ lưu lạc. Cả gia đình ông Thật còn bàng hoàng khi nghe lại đoạn cuối trong cuốn băng ghi âm lời hướng dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện: “Tìm một mà được mười ba”. Ông Thà có cả thảy 13 người con và cháu.
Sau khi tìm được em trai Vũ Văn Thà, ông Thật tiếp tục tìm được mộ chị gái Vũ Thị Quắng ở giữa cánh đồng xã Phương Tú (Ứng Hòa). Bà Quắng bị chết đói năm 1945, khi 11 tuổi và được người ta chôn luôn ngoài cánh đồng.
Đặc biệt, trong một chuyến đi vỏn vẹn một tuần, bằng sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện, bố con ông Thật còn tìm tiếp được 2 liệt sĩ nữa, là anh vợ và em vợ ông Thật. Hài cốt liệt sĩ Vũ Hồng Quân được tìm thấy ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) và liệt sĩ Vũ Hồng Quang được tìm thấy giữa nông trường cà phê bạt ngàn thuộc xã Đắk Sắk (Đắk Nông).
Đi tìm lời giải của những nhà ngoại cảm Việt Nam
Chính vì thế, ông cũng cảnh báo rằng, tất cả những người chưa được các nhà khoa học cũng như những cơ quan có chức năng thẩm định, đánh giá bằng các đề tài nghiên cứu cụ thể thì không thể tin tưởng được.
Qua các cuộc nghiên cứu, đánh giá, các nhà khoa học tổng kết được 4 con đường dẫn đến khả năng ngoại cảm: Thứ nhất là bẩm sinh, tức sinh ra đã có khả năng ngoại cảm. Thứ hai, sau những trận ốm thập tử nhất sinh bỗng phát hiện ra khả năng này. Thứ ba, các thiền sư tu hành lâu năm, đắc đạo. Thứ tư, do được đào tạo.
Theo ông Khanh, trường hợp trở thành nhà ngoại cảm do bẩm sinh là rất hiếm, do tu hành đắc đạo thì có nhiều, song đối với các nhà tu hành, ngồi một chỗ biết chuyện thiên hạ chỉ là một bậc nhỏ trên con đường đến cõi niết bàn.
Các thiền sư chuyên tâm tu hành, không màng đến thế sự, tiếng tăm, danh phận và rũ bỏ hết việc đời nên họ không bao giờ công bố khả năng của mình. Họ muốn giữ tâm tịnh để tiếp tục tu hành khổ hạnh, do vậy, người đời thường không biết được khả năng của họ.
Người tiêu biểu về khả năng tu hành rồi trở thành nhà ngoại cảm là anh Nguyễn Văn Nhã. Anh Nhã hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Anh thường ít khi tiếp xúc, gặp mặt người tìm mộ. Những ai muốn tìm được hài cốt người thân thường gọi điện hỏi anh, anh sẽ chỉ dẫn qua điện thoại.
Anh Nhã làm thế là vì không muốn mang tiếng kiếm tiền từ việc chỉ dẫn người đời đi tìm mộ. Chính vì thế, nhiều gia đình tìm thấy mộ thân nhân qua sự chỉ dẫn của anh, muốn tìm anh hậu tạ nhưng không biết anh ở đâu, hỏi địa chỉ thì anh không cho, thậm chí mang quà đến anh cũng không nhận.
Đã có cả ngàn người tìm được mộ nhờ sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, song vẫn không biết mặt mũi nhà ngoại cảm này như thế nào. Việc có khả năng ngoại cảm do đào tạo bài bản chính là nét độc đáo ở Việt Nam mà các nhà khoa học đang chuyên tâm nghiên cứu, áp dụng.
Đã có một số người sẵn có khả năng đặc biệt, lại được các nhà khoa học rèn luyện nên trở thành nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ cũng như nhiều khả năng có ích khác, tuy nhiên, những người này còn đang trong giai đoạn nghiên cứu nên các nhà khoa học chưa cung cấp thông tin.
Hầu hết các nhà ngoại cảm ở nước ta có được khả năng kỳ lạ là do một biến cố trong đời. Có người bị điện cao thế giật (ông Nguyễn Văn Chiều), có người qua trận sốt hoặc trận ốm thập tử nhất sinh thì trở thành nhà ngoại cảm.
Trong số những người trải qua biến cố thành nhà ngoại cảm thì ly kỳ nhất phải kể đến Phan Thị Bích Hằng. Con đường trở thành nhà ngoại cảm của Bích Hằng vô cùng gian nan, kỳ lạ và nhiều nước mắt.
Phan Thị Bích Hằng sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nghèo thuộc xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình. Năm 1990, khi 17 tuổi, vừa thi đại học về, Hằng cùng một cô bạn gái đang đi trên đường bỗng có một con chó nhảy xổ ra cắn. Hằng bị cắn vào chân trái, cô bạn gái bị cắn vào tay trái.
Cũng như người dân ở các vùng nông thôn, Hằng và cô bạn cảm thấy chuyện bị chó cắn rất bình thường, rồi quên ngay sau đó. Vài ngày sau khi bị chó cắn, Hằng nhận được giấy báo đỗ đại học.
Khoảng một tháng sau, cô bạn đột nhiên không nói được nữa, hàm răng cứng lại. Nghĩ là bị đau răng, Hằng đưa cô bạn đi khám. Bác sĩ nha khoa kiểm tra và khẳng định không phải do đau răng. Hai người lại đèo nhau đến Bệnh viện Quân y 5 Ninh Bình.
Sau khi khám xét, bác sĩ bảo bạn gái của Hằng có triệu chứng của người bị bệnh dại. Tưởng như đất dưới chân sụt xuống, tử thần đã nắm tay mình dắt đi, Hằng nói như người mất hồn: “Đúng như vậy. Cháu và cô bạn đều bị một con chó cắn”. Sau hôm đó, Hằng cũng hôn mê bất tỉnh. Cô bạn thân thì đã qua đời.
Gia đình đưa cô đi chữa trị nhiều nơi, bằng cả Đông y lẫn Tây y, song các bác sĩ, thầy lang đều lắc đầu, bởi bệnh này từ xưa đến nay không ai chữa khỏi. Khi đến nhà một ông thầy lang theo Thiên Chúa giáo, ông xem xét kỹ biểu hiện cơ thể rồi nói một câu an ủi: “Chúa lòng lành sẽ che chở cho con”.
Sau đó, ông bảo người con trai ra nghĩa địa lấy một mảnh ván mà người ta vừa bốc lên hôm trước, rồi bào chế với vài vị thuốc. Để giành giật giữa sự sống và cái chết, gia đình Hằng liền cho cô uống ngay vị thuốc khủng khiếp này.
Sau khi uống thuốc, ông thầy lang bảo với bố mẹ Hằng: Sau 3 tiếng đồng hồ cháu sẽ cảm thấy nóng khắp người, lên cơn sốt mê man, nói sảng, thậm chí lên cơn điên cắn xé. Nếu 3 ngày sau cháu hết cơn thì cháu sống được còn nếu lên cơn trở lại thì cháu không sống được nữa. Tôi rất muốn cứu cháu nhưng khả năng của tôi chỉ có vậy.
Đúng như lời ông thầy lang nói, 9h tối Hằng lên cơn cắn xé điên cuồng, đến 11h đêm mới thiếp đi. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai không thấy triệu chứng gì. Ngày thứ ba, khi cùng người anh trai của cô bạn gái đã mất ra mộ thắp hương thì đột nhiên Hằng cảm thấy có một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Hằng liền nói: “Anh đưa nhanh em về, em sắp lên cơn điên rồi”. Từ đấy, Hằng không còn biết gì nữa.
Đến 1h sáng hôm sau, gia đình không còn hy vọng bởi Hằng đã hoàn toàn tắt thở. Bình thường, những người trẻ tuổi như Hằng ở quê được khâm liệm rất nhanh rồi đem chôn, không tổ chức lễ tang, kèn trống.
Thế nhưng, có một ông cụ dạy chữ nho ở làng rất giỏi tử vi vào nhà Hằng, sau một hồi tính toán, ông bảo: “Thứ nhất, chưa qua giờ Thìn không được khâm liệm cháu; thứ hai, cứ để nó nằm như thế, không được thắp hương”.
Lúc đó, một ông bác sĩ nói: “Tốt nhất đậy mặt cháu lại, để gia đình đi chuẩn bị cho cháu, tại sao cụ lại nói vậy”. Ông cụ đó nói tiếp: “Các anh thì có cả một nền y học hiện đại, còn tôi chỉ là tàn hương nước thánh, nhưng tôi khẳng định nó không chết”.
Nghe cụ già và bác sĩ tranh cãi, gia đình Hằng rất hoang mang, không biết xử trí thế nào. Thế nhưng, ai đi mua gỗ đóng quan tài cứ đi, ai ngồi chờ xem lời ông cụ linh ứng thế nào thì cứ chờ.
Hồi khắc khoải chờ chết, Hằng có hỏi bố (bố Hằng là quân nhân): “Vì sao những vị lãnh đạo khi chết người ta lại bắn 7 loạt đại bác”, bố Hằng trả lời: “Để linh hồn mau siêu thoát”. Nghe bố nói vậy, Hằng liền bảo: “Khi con mất bố bắn cho con bảy phát đạn để con mau siêu thoát trở về với gia đình mình”.
7h sáng hôm đó bố Hằng mới về đến nhà. Trông thấy đứa con gái tội nghiệp tắt thở nằm đó ông không kìm được nước mắt. Nhớ lời hứa với đứa con gái, ông lôi súng ngắn ra bắn. Tiếng súng nổ làm Hằng bật tỉnh dậy và phản xạ đầu tiên là lao ra phía tiếng súng gọi “Bố ơi!”.
Hằng đạp phải những chiếc vỏ đạn và ngã rất mạnh xuống sân. Mọi người liền khiêng cô vào trong nhà. Sau khoảng nửa tiếng, Hằng tỉnh lại hoàn toàn. Khi đó, một cảm giác rất kỳ lạ đến với cô. Thân thể dường như mất trọng lượng, như đang bay và nhìn mọi người như ở một thế giới khác.
Theo lời Hằng, trong thời gian 30 phút bất tỉnh do trượt ngã đập đầu xuống sân, cô thấy bà nội và bà ngoại (cả hai đều đã mất) gọi cô. Hằng thấy mình đang đi qua một cây cầu bắc qua con sông lớn với mây mờ sương khói bao phủ. Phía bên kia cầu, bà ngoại cùng rất nhiều người đứng vẫy tay, bà nội thì đứng bên bờ này kéo lại.
Cố vùng vẫy, Hằng tuột khỏi tay bà. Đúng lúc đó thì tiếng súng làm Hằng giật mình tỉnh dậy. Mọi người đều vui mừng khôn xiết, coi việc Hằng sống lại là chuyện thần kỳ.
Vài tháng sau, khi khỏe mạnh hẳn, Hằng thường đi lung tung, không có định hướng. Điều kỳ dị là nhìn mặt mọi người Hằng có thể biết được họ còn sống lâu hay sắp chết. Một số người đang khỏe mạnh song lại cứ như có ai đó nói với cô rằng họ sắp chết, thế là cô tìm họ nói cho họ biết rằng họ sắp chết.
Không ít lần cô bị ăn đòn vì… độc mồm, độc miệng. Ngày đó, trong làng có ông Vũ Văn Trác, 50 tuổi, rất khỏe mạnh và quý mến Hằng. Ngày Hằng còn bé, có cái bánh, cái kẹo ông đều dành cho.–PageBreak–
Một hôm, gặp ông Trác đi làm đồng về, Hằng bảo: “Ông ơi, chắc là ông sắp mất rồi. Ông đừng đi làm nữa cho khổ!”. Nghe Hằng nói thế, ông Trác cầm cái roi trâu quát: “À, tưởng là con cô giáo mà tao không dám đánh à? Bố mày có là đại tá thì hôm nay tao cũng phải cho mày một trận”.
Khi ông Trác cầm roi trâu đuổi, Hằng còn vừa chạy vừa quay lại bảo: “Ông sẽ chết thật mà”. Ông Trác tức sôi máu đánh Hằng một trận, cô đau phát khóc, nhưng vừa khóc vừa khẳng định vài ngày nữa ông sẽ chết.
Hôm ấy những người chứng kiến được bữa cười ra nước mắt. Nhưng rồi, vài ngày sau loa truyền thanh xã thông báo ông Trác chết thật. Thông tin ấy làm cả làng sợ hãi.
Tiếp sau ông Trác là ông Bùi Văn Trai, Chủ nhiệm HTX thêu xuất khẩu xã Khánh Hòa. Ông Trai là bạn rất thân của mẹ Hằng. Hôm đó, giữa hội trường UBND xã, rất nhiều người chứng kiến, Hằng nói: “Đến tháng giêng là chú chết đấy, có bao nhiêu hợp đồng xuất khẩu chú bàn giao hết đi, nếu không đến lúc ấy lại không kịp”.
Ông Trai bực mình nói với bố mẹ Hằng rằng: “Anh chị phải về dạy bảo con, chứ cứ để nó huyên thuyên như thế là không được”. Không ngờ, đầu tháng giêng ông Trai chết thật. Sau chuyện đó cả làng bảo Hằng bị ma ám, nói ai chết là người ấy chết. Người ta cứ nhìn thấy Hằng là tránh xa.
Mọi người trong gia đình Hằng đều đau khổ. Mẹ Hằng là giáo viên dạy giỏi nhiều năm, các phụ huynh đều rất tin tưởng khi con cái họ học lớp bà chủ nhiệm, nhưng biết chuyện của Hằng thì đều xin cho con chuyển lớp.
Hằng ra sức thuyết phục mọi người rằng cô không bị thần kinh, những chuyện đó là do cô nhìn thấy, nhưng không ai tin. Cha mẹ Hằng đưa cô đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác khám thần kinh, rồi đưa đi gặp hết “cậu nọ, cô kia” cúng bái.
Mặc dù khi đó Hằng có khả năng phán đoán được tình trạng sức khỏe, thậm chí cả suy nghĩ của người khác, song Hằng đau khổ đến nỗi chỉ mong quên hết khả năng ấy đi.
Theo lời kể của Hằng, một ngày, trong cơn tuyệt vọng, Hằng ao ước được “nhìn thấy” bà nội và bà ngoại, những người cô rất yêu quý. Thế rồi, kỳ lạ thay, vào ngày giỗ bà nội, Hằng “nhìn thấy” bà nội (bà chết khi Hằng 10 tuổi) về, bế theo một đứa trẻ và dắt theo một đứa nữa.
Hằng nói chuyện với bà, rồi kể cho mọi người nghe. Ông nội nghe Hằng nói liền kể rằng đó là hai đứa con của ông đã mất lúc 8 tháng và 3 tuổi. Lúc này, mọi người mới kinh hoàng nhận ra rằng, Hằng có khả năng đặc biệt.
Ngôi làng Hằng đang sống có ngôi chùa Dầu rất cổ. Khi nhà Trần đánh tan Chiêm Thành, bà Huyền Trân Công Chúa không về Thăng Long mà vào tu ở ngôi chùa này. Sau này gia tộc họ Trần cũng về đây ở, rồi chết đi thì chôn luôn ở quanh chùa.
Một lần, Hằng vào nhà ông chú ruột chơi rồi bảo rằng, trong vườn nhà chú có bóng người. Nhà chú Hằng ai cũng mắc bệnh kỳ lạ, teo một bên chân, ngoẹo một bên đầu về bên phải, nên ông rất tin lời Hằng nói.
Thế là hai chú cháu đào bới thử mảnh vườn. Không ngờ thấy một lớp ngói đã mục, rồi đến một lớp đất đỏ. Gạt lớp đất đỏ ra thì thấy lớp quách bằng hợp chất gồm vỏ hến, vôi, mật. Phá lớp này ra thì thấy cỗ quan tài chạm trổ rất đẹp bằng gỗ ngọc am. Bật nắp quan tài thấy xác ướp người đàn ông. Sau này, các nhà sử học xác định ngôi mộ có tuổi 700 năm.
Chính gia đình Hằng cũng để thất lạc mộ cụ 4 đời. Nhiều lần, bố Hằng nhờ đồng đội về đào bới mà không thấy. Đúng ngày giỗ cụ, Hằng thử đi tìm. Không ngờ, Hằng “nhìn” thấy mộ cụ nằm trên đường đi. Hằng liền rủ mấy người anh ra đường đào.
Mấy anh bảo vệ xã nhìn thấy thì bảo: “Chết dở thật. Con ông bộ đội rỗi việc đi phá đường”. Hằng khẳng định dưới lòng đường có mộ thì mấy anh bảo vệ bảo: “Thế thì đem cuốc xẻng ra đào thử xem con dở hơi này nó nói có đúng không!”.
Khi đào sâu gần 2m thì xuất hiện một tấm gỗ có khảm chữ Hán. Hằng liền đem rửa mảnh gỗ đi rồi mang cho ông nội đã 80 tuổi đọc. Ông nội Hằng đọc thấy hai dòng chữ ở hai mặt tấm gỗ là “Âm thủy quy nguyên” và “Vinh quy bái tổ” thì lăn ra khóc. Bao nhiêu năm nay đã nhiều đêm ông không nhắm mắt được vì đã để thất lạc mộ tổ.
Lúc này, mọi người không còn nghi ngờ gì về khả năng đặc biệt của Hằng nữa. Nhưng bố Hằng, là một cán bộ được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, tính tình cứng rắn, chỉ tin vào khoa học nên vẫn chưa tin vào khả năng của Hằng.
Ông bỏ cả việc cơ quan để ở nhà trông Hằng, đuổi hết những người tìm đến “cầu thánh, cầu thần”. Để chứng minh với bố rằng cô không bị thần kinh, không bị hoang tưởng di chứng chó dại cắn, cô xin bố cho đi thi đại học và hứa chắc chắn sẽ thi đỗ.
Để bố tâm phục khẩu phục, Hằng quay ngoắt sang ôn thi khối A, ĐH Kinh tế quốc dân, cho dù năm trước cô thi khối C. Chỉ có 15 ngày ôn thi, kể từ khi xin bố, vậy mà Hằng đã thi đỗ với số điểm khá cao, 24 điểm.
Khi đó, Hằng đã là cộng tác viên của Viện Khoa học thể dục – thể thao. Một số cán bộ có tâm huyết của Bộ VH-TT đã đi theo Hằng để nghiên cứu rất tỉ mỉ về khả năng tìm mộ. Hằng đã nhờ những vị cán bộ này cho người về giúp cô khảo sát lại di tích lịch sử chùa Dầu quê cô có từ đời nhà Trần.
Hằng về, “nói chuyện” với những người xây chùa, tất nhiên là đã chết cách đây 700 năm, trong đó có cả nhũ mẫu của Huyền Trân Công Chúa, là bà Phan Thị Vinh. Người xưa đã kể tỉ mỉ cho Hằng biết tòa sen như thế nào, bát hương ra sao, có bao nhiêu sắc phong từ các đời vua…
Những gì Hằng thu thập đều được các cơ quan quản lý văn hóa xác nhận đúng. Với những tài liệu, hiện vật thu thập được, Phòng văn hóa đã trình lên tỉnh, tỉnh trình lên bộ và sau đó chùa Dầu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Những gì Phan Thị Bích Hằng làm được cho đời thực sự trân trọng, không lý lẽ gì có thể bác bỏ. Đã có hàng ngàn gia đình tìm lại được người thân, đã có cả ngàn hài cốt liệt sĩ được trở về đất mẹ sau bao nhiêu năm nằm nơi rừng sâu núi thẳm, mà nhiều đồng đội, người thân đi tìm không thấy.
Thậm chí, qua Bích Hằng, lịch sử đã phải viết thêm những trang hào hùng về trận đánh khốc liệt ở cánh rừng K’Nác, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai. Nơi đây, dòng Đắk Lốp đã nhấn chìm 400 thi thể chiến sĩ và cả những chiến công của họ nếu không có nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vượt rừng, lội suối tìm hài cốt của họ để đồng đội đưa về nghĩa trang liệt sĩ, mang lại niềm an ủi cho các gia đình.
Chuyện chưa kể về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng
Đó là một kỷ niệm đi tìm liệt sĩ chống Pháp hy sinh ở trận Chùa Cao (Ninh Bình). Chị tìm thấy hài cốt liệt sĩ này ở dưới ruộng, gần bốt Chùa Cao. Chị “trông” thấy ông mặt vuông chữ điền, râu quai nón, rất giống con trai ông, nhờ Hằng tìm mộ. Bích Hằng khẳng định đúng là ngôi mộ của liệt sĩ và đề nghị gia đình đắp đất lên để hôm sau tiến hành đào hài cốt.
Tuy nhiên, đêm đó, khi đang ngủ, tự nhiên có một bác bộ đội đi cùng một người nữa giật giật chân kéo chị dậy và bảo: “Này này, cậu dậy đi tớ bảo cái này. Hôm nay cậu làm thế là không được nhé. Cậu nhầm rồi. Cậu lại chỉ mộ cậu liên lạc của tớ. May mà vợ con tớ chưa đem về đấy nhé. Nếu mà đem về nghĩa trang rồi thì hóa ra tớ vẫn phải nằm lại ngoài ruộng mà cậu liên lạc lại được cả nhà tớ kêu bằng bố.
Nhìn đây này, cậu liên lạc mới chỉ 23 tuổi, còn tớ đã ba mấy tuổi rồi. Tớ có cái mụn ruồi ở mũi, cậu nhìn thấy chưa, rất to. Ngày xưa bố vợ suýt không đồng ý gả con gái cho tớ vì bảo cái mụn ruồi ấy là chết yểu, con gái ông lấy tớ sẽ góa chồng sớm. Dù có cái mụn ruồi quái quỷ ấy nhưng tớ vẫn đẹp giai nên cô ấy vẫn mê và quyết lấy tớ. Đây này, nhìn nhé, ở cái chỗ đất này, tớ ném cành hoa vạn thọ ở chỗ này nhé. Mai cậu nhớ phải lên sớm không trẻ con nó nghịch lại lấy đi mất”.
Đúng như dặn dò, hôm sau Hằng dậy thật sớm, một mình đi xe xuống chỗ mô đất đắp hôm qua. Hằng chợt rùng mình vã mồ hôi giữa mùa đông giá rét khi thấy cách chỗ nấm đất khoảng 5m, trên nền cỏ ướt đẫm sương đêm có một cành cúc vạn thọ. Phía dưới cành cúc vạn thọ chị “nhìn thấy” hài cốt của người liệt sĩ chống Pháp mà đêm trước đã dựng chị dậy chỉ dẫn.
Ngay lập tức, chị đến gia đình xin lỗi và thuật lại chuyện liệt sĩ về báo cho chị tối hôm trước. Khi nghe Hằng kể đến đoạn nhìn thấy bác liệt sĩ có cái mụn ruồi to tướng trên cánh mũi thì bà cụ, là vợ của liệt sĩ òa lên khóc và khẳng định: “Đúng là mộ chồng tôi rồi”.
Ngay hôm ấy, cả gia đình nhà nọ cùng đi đào chỗ Hằng chỉ và thấy ngay hài cốt. Hài cốt người chiến sĩ này nằm dưới mảnh ruộng mà từ nhiều năm nay người ta vẫn cày bừa, trồng cấy. Sau đó, hài cốt đó được đưa về quê nhà, còn hài cốt người liên lạc được đưa vào nghĩa trang Chùa Cao.
Trường hợp đầu tiên mà chị Bích Hằng phát hiện ra khả năng “giao tiếp” của mình với các “vong” là khi “gặp” mẹ của GS Mai Hữu Khuê, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân. Khi chị đi tìm, liền “thấy” một bà cụ. Đứng trước cụ, chị cảm thấy như có tiếng nói, “thấy” cái miệng lắp bắp mà không hiểu cụ nói gì.
Chỗ bà cụ nằm là một cái vũng nước rất bẩn. Hằng liền cất giọng: “Cụ ơi, cụ nói cái gì đấy?”. Hằng đột nhiên “nghe thấy” cụ gọi: “Cháu ơi!”. Tim chị như muốn vỡ ra vì sung sướng, bởi chị đã nghe được âm thanh phát ra từ phía người chết.
Bà bảo: “Bà tên Kình, nhắn hộ cho bà là mộ bà ở đây mà các con tìm mãi không thấy. Con bà là Khuê”. Nghe được thông tin đó, Hằng kể lại cho dân làng. Dân làng bảo con bà ấy làm to lắm, rồi họ nhắn cho ông Khuê về nhận mộ mẹ.
Từ khi “trò chuyện” được với người chết, chị Hằng cứ lang thang đến khắp các ngôi mộ để “nghe” người chết “nói”, rồi tìm cách chỉ dẫn cho thân nhân họ. Chính vì có khả năng đặc biệt này mà Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã nghiên cứu đề tài TK06, có nghĩa là “tìm ngược”, tức người chết tìm người sống.
Đề tài này đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Đã có rất nhiều liệt sĩ vô danh thông báo cho người nhà biết được mình đang nằm ở đâu, đến để đào hài cốt đưa về quê thông qua các nhà ngoại cảm.
Sự kiện gây xúc động lớn mới diễn ra gần đây là hành trình xác định tên cho các liệt sĩ nằm dưới những ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang Điện Biên Phủ và cuộc “đi tìm” người thân, đồng đội còn sống của các liệt sĩ thông qua các nhà ngoại cảm.
Hầu hết những cuộc nhắn đi đến địa chỉ này, địa chỉ kia, tìm người này người kia… của người chết đều chính xác đến kinh ngạc.
Cũng chính vì cách tìm ngược đó mà Bích Hằng làm được những việc đáng trân trọng. Trong những chuyến đi tìm mộ thất lạc cho gia đình nào đó, đều có rất nhiều người chết “đi theo” nhờ cậy. Trên đường đi tìm mộ, cứ “thấy” chỗ nào có hài cốt, chị thắp nén hương, “họ” liền túm ngay lấy, nói: “Tôi tên là thế này, người nhà tôi là người này, ở nơi này…”.
Thế là cuối cùng gia đình nhờ mình đi tìm mộ vẫn chưa tìm thấy thì đã lại tìm được cho nhiều người khác. Để đi được đến nơi có ngôi mộ cần tìm thì phải trò chuyện, giúp đỡ không biết bao nhiêu người.
Trong chuyến đi tìm mộ ở xã Vô Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên), chính qua những lời “nhắn nhủ” của người âm dọc đường đi tìm mộ mà chị đã tìm thấy mộ cụ Lương Ngọc Quyến, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đầy bi tráng diễn ra năm 1917.
Những người nằm dưới đất, nơi chị Hằng đi qua “nhắn” rằng: “Ở phía đồi bên kia có một lão thành, là người có công với nước rất nhiều, nếu cháu có thể quá bộ qua đó thăm ông ấy thì tốt”. Tuy nhiên, khi đó đường đi quá xa, nên chị xin lỗi, từ chối, chỉ ghi lại thông tin mà “họ” cung cấp. Chị còn phải đi tìm cho gia chủ, cho người nhờ mình xong đã.
Khi về Hà Nội, từ những thông tin mà những người đã chết cung cấp, Hằng nhắn cho anh Lương Quân, là cháu nội cụ Quyến. Một thời gian sau, Hằng tiếp tục lên Thái Nguyên tìm mộ. Trong quá trình đi tìm lại gặp một “linh hồn” và người này giới thiệu với chị là nhà báo Thôi Hữu, rồi ông lại nhắn rằng: “Bên kia đồi có người đức cao vọng trọng, là cụ Lương Ngọc Quyến”.
Vậy là hành trình tìm mộ cụ Lương Ngọc Quyến, người đã yên nghỉ gần thế kỷ giữa cánh rừng đại ngàn đã diễn ra hết sức kỳ lạ, xúc động.
Hồi đi tìm mộ cụ sư tổ chùa Vua, phố Thịnh Yên (Hà Nội) để lại cho chị nhiều kỷ niệm nhất về lòng vị tha cũng như nghĩa tình của… người chết. Trước đây chùa Cua rộng lắm, sau khi mất, cụ sư tổ được an táng trong khuôn viên nhà chùa. Tuy nhiên, khi đất cát lên giá, người dân lấn chiếm đất chùa, dựng nhà dựng cửa làm mất mộ cụ.
Bích Hằng lội xuống hồ nước tìm nhưng không thấy. Đêm đó, nhà chùa thắp nến sáng rực cả khu vực quanh chùa, thế rồi sư tổ lên gặp chị. Sư tổ “kể” tỉ mỉ đã chết như thế nào. Cụ tên thật là Hoàng Đình Điều, người Lạng Sơn, từng là một tướng quân, dưới quyền “Hùm xám Yên Thế” Hoàng Hoa Thám.
Sau khi giặc Pháp bắt được cụ Đề Thám thì cũng bắt được cụ. Tuy nhiên, cụ trốn được và tìm về chùa này tu. Dù tu thiền, song cụ vẫn hoạt động cách mạng bằng cách nuôi giấu cán bộ. Trong số những cán bộ cách mạng được cụ nuôi giấu ngày đó có cụ Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Phong trào Xôviết – Nghệ Tĩnh.
Cũng là cơ duyên, vì cụ Nguyễn Phong Sắc đã được Bích Hằng tìm thấy năm 2002 và Tỉnh ủy Nghệ An đã xây tượng đài cụ Nguyễn Phong Sắc ở xã Phúc Lộc, huyện Nghi Lộc. Cụ “bảo”, mộ cụ hiện nằm dưới hai ngôi nhà, chứ chỗ mọi người đắp đất, thắp hương không phải.
Khi đó, chị Hằng còn “nhìn thấy” hàng ngàn môn sinh, những người tự vệ đỏ đứng xếp hàng lối nghiêm trang sau cụ sư tổ. Những người đi theo cụ đều “tỏ ra” bất bình, vì cụ là người đức cao vọng trọng, có công với cách mạng, vậy mà không những người đời không biết đến mà lại bị người ta lấn chiếm đất xây đè lên.
Cụ “than” với chị Hằng rằng, hai gia đình xây đè lên mộ cụ đều gặp những chuyện tai ương, rồi làm ăn thất bát. Cụ thương họ lắm. Cụ là người xuất gia, không muốn làm người đời phải khổ, việc hai gia đình nọ gặp nhiều chuyện bất hạnh là do những nghĩa quân đi theo cụ bất bình nên mới gây ra như vậy.
Cụ còn nói với chị Hằng: “Làm được cho đời mới tốt, chứ cái thân xá lợi thì nghĩa lý gì”. Sư cụ không đồng ý cho mọi người đào bới hài cốt cụ. Lúc đó, cụ Nguyễn Phong Sắc cũng về nói với Bích Hằng: “Cụ nằm thế này không được, người ăn mày cũng còn được chôn cất tử tế, đằng này là cụ…” .
Cụ sư tổ “kể” tiếp: khi an táng cụ chẳng có cái gì, chỉ có mỗi nậm rượu chôn theo. Ngày đó, khi luyện võ xong, cụ thường cùng cụ Đề Thám chén tạc chén thù. Khi chết, cái nậm rượu đó vẫn đeo bên mình. Có thể xương cốt không còn, nhưng cái nậm rượu đó thì vẫn còn nguyên vẹn.
Như vậy, theo Bích Hằng, dưới cõi âm, người chết vẫn nhớ người sống. Tuy nhiên, dù theo đạo nào, “người âm” cũng mong người đời không quên lãng họ. Họ sẽ còn sống đến khi ta còn nghĩ đến họ. Họ là những người rất tình nghĩa.
Cụ sư tổ chết bao nhiêu năm rồi mà vẫn “dặn dò” chị Hằng kỹ lưỡng, khi nào đi chùa, thì nhớ thắp hương cho cả cụ Đề Thám, cho cả những nghĩa quân, chiến sĩ tự vệ đỏ, tự vệ thành. Cụ cũng “kể” thêm rằng, cụ đã truyền hết võ nghệ cho Hoàng Hoa Phồn, chỉ tiếc rằng anh ta không nối tiếp được sự nghiệp lừng lẫy mà lại chết sớm… Khi nghe chị kể lại như vậy, những người được chứng kiến, có rất nhiều cán bộ, các nhà sử học đều xúc động rơi nước mắt.
Hồi đi tìm một chiến sĩ cách mạng ở công viên Lê Thị Riêng thì lại “thấy” một lính Sài Gòn. Người lính ngụy ấy cứ níu chân chị để “nhờ” chị nhắn nhủ mấy câu. Khi tìm thấy hài cốt của người lính ấy thì thấy chiếc dây chuyền platin sáng lấp lánh.
Anh ta muốn “nhờ” chị nhắn vài lời với gia đình nhưng lại sợ những liệt sĩ ở cạnh biết, tức là những chiến sĩ cách mạng chôn gần đó. Nhưng cụ Phan Sào Nam hiện lên “nói”: “Khi về cõi âm rồi thì không nên phân biệt bên này hay bên kia nữa. Chúng ta đều là những linh hồn cần được giúp đỡ. Cậu cứ việc nhắn nhủ cho gia đình đi”.
Bích Hằng kể rằng, chị “nhìn thấy” người lính Sài Gòn đó cứ run rẩy, lóng ngóng, sợ sệt. Khi đó, cậu ta có “nói” với chị: “Nếu ai thích chiếc dây chuyền thì có thể cho”. Trên chiếc dây chuyền đó có gắn một miếng vàng rất đẹp, tuy nhiên, chẳng ai dám lấy cả. Thế là lại vùi xuống chỗ cũ rồi ghi lại thông tin để báo cho gia đình người lính này biết, vào mang hài cốt về.
Cuộc đi tìm kiếm mộ ở Vĩnh Thạnh, Bình Định cũng là một kỷ niệm hết sức đáng nhớ của Bích Hằng. Khi đào mộ anh bộ đội thì thấy cái biển tên ở trước ngực ghi là Trung tá Nguyễn Hữu Túy tức là lính Sài Gòn. Mọi người đều giật mình, nhưng lại nghĩ, hay là anh bộ đội lấy áo lính Sài Gòn mặc cải trang, rồi bị bắn chết.
Thế nhưng, lúc đó chị nghe thấy “tiếng gọi” phát ra từ bụi cây: “Không phải, tôi nằm bên này cơ!”. Lúc đó có một anh cùng trong đoàn đi đào mộ, là xã đội trưởng ào đến căm phẫn hét lên: “Cái thằng này ác ôn lắm, chính nó đã giết bố tôi đây”.
Anh kể rằng, hồi gần 10 tuổi, anh tận mắt chứng kiến bọn lính Sài Gòn đóng đinh bố anh vào cây dừa và chính tên Túy đã dùng lưỡi lê rạch từ ngực bố anh xuống rồi moi gan bố anh ra ngoài. Khi đó, bố anh là cán bộ của ban tuyên huấn xã, tích cực tuyên truyền cách mạng.
Anh căm phẫn, định lấy hòn đá ghè vào đống xương cốt. Chị Hằng hết mực ngăn can: “Người ta bây giờ cũng chỉ còn là nắm xương tàn. Anh có làm vậy bố anh cũng không sống lại được. Tốt nhất là cứ bốc hài cốt người ta lên, chôn cất cẩn thận, rồi người ta phù hộ cho, sau đó đi tìm tiếp mộ anh bộ đội giải phóng”.
Thế nhưng, anh ta kiên quyết: “Ai làm việc đó thì làm, tôi nhất định không làm”. Người dân ở đó cũng đều chứng kiến cảnh bọn lính Sài Gòn giết hại, moi gan bố anh xã đội cùng 6 người khác nên rất căm phẫn, nhất định không chôn hài cốt người lính này, mặc cho Hằng khuyên nhủ thế nào.
Cuối cùng chị phải bỏ tiền, ra Quy Nhơn mua chiếc tiểu, bỏ hài cốt vào rồi mai táng. Tuy nhiên, khi Hằng đặt bát hương, thắp hương thì mọi người trong làng lại xô ra không cho chị thắp. Gia đình người lính kia đều ở bên Mỹ cả nên không biết nhắn nhủ ra sao.
Khi đó, anh bộ đội hiện lên “dặn” Hằng nói với mọi người thế này: “Nếu mọi người không thắp hương cho anh ta thì anh bộ đội sẽ không cho tìm hài cốt của anh đâu. Thắp cho anh ấy nén nhang thì anh ấy sẽ chỉ chính xác chỗ anh bộ đội nằm”.
Nghe Bích Hằng nói vậy, người dân trong vùng mới cho cô thắp nhang. Người lính Sài Gòn này đã “dắt” Hằng đến bên bụi cây rất lớn và chỉ chính xác chỗ anh bộ đội nằm và khi đào thì thấy ngay hài cốt. Hằng bảo với dân làng: “Vậy là anh ta đã lấy công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa nhé!”.
Anh bộ đội “kể” với Bích Hằng, hồi đó, anh là lính đặc công, bị Túy bắt được, nhưng khi hắn đang áp giải thì anh đã sử dụng võ thuật đá văng khẩu súng, rồi cướp lưỡi lê của nó giết nó luôn. Tuy nhiên, vừa giết được nó thì anh lại bị trúng đạn bởi một tên đi phía sau.
Bích Hằng kể rằng: Quá trình đi tìm mộ cực kỳ vất vả, nhiều khi phải đi bộ cả ngày trong rừng thẳm mới đến nơi có hài cốt. Hầu hết các chiến sĩ chỉ được quấn tấm vải khi chôn, nên lúc tìm thấy, tấm vải dù vẫn còn nguyên vẹn, nhưng hài cốt đã mủn, hoặc thành đất cả rồi.
Chứng kiến những cảnh ấy thương lắm. Đó cũng chính là động lực để chị quyết tâm hơn trên hành trình đi tìm mộ đầy vất vả, gian nan. Đã có cả ngàn ngôi mộ được chị tìm thấy, và mỗi cuộc tìm kiếm là một câu chuyện đầy xúc động.
Bích Hằng tâm sự: Trong các cuộc tìm kiếm hài cốt cũng có nhiều chuyện buồn vì không phải cuộc tìm kiếm nào cũng thành công. Nếu không tìm được mộ thì quả thực rất khó nói với gia đình người quá cố, vì họ đặt niềm tin vào mình quá lớn.
Chị cũng mong những gia đình mà chị không giúp được hãy thông cảm cho những nhà ngoại cảm bởi không phải lúc nào cũng thành công.
Những linh hồn ở K’nak và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng
Sự thật bi tráng này sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn dưới dòng Đắk Lốp nếu như không có sự phát hiện của các nhà ngoại cảm và hành trình tìm anh trai đầy nước mắt của anh Phạm Văn Mẫn, Giám đốc Công ty S-fone. Sau khi bài báo phát hành, anh Mẫn và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng gọi tôi đến để cung cấp thêm những sự thật lịch sử và câu chuyện hết sức kỳ lạ này.
Tại ngôi nhà 34 Hòa Mã, Hà Nội, vào ngày 7/3/2007, trong khói hương nghi ngút, trầm mặc, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chắp tay trước bàn thờ, nói giọng nghèn nghẹn: “Kính mong anh Thành và vong linh các liệt sĩ phù hộ để các nhà ngoại cảm tìm được nốt những liệt sĩ còn nằm dưới dòng Đắk Lốp và trong rừng rậm K’Nak ở Tây Nguyên…”.
Anh Phạm Văn Mẫn cũng chắp tay, nói với giọng thành kính: “Dù tìm thấy anh rồi nhưng em sẽ vẫn tiếp tục đi tìm những liệt sĩ còn nằm lại ở K’Nak. Hàng năm, em vẫn thực hiện lời anh dặn là vào K’Bang trong những ngày lễ, ngày thương binh – liệt sĩ để thắp hương cho các liệt sĩ còn chưa tìm thấy hài cốt để các liệt sĩ đỡ cô quạnh.
Cả nước sẽ chung tay đóng góp xây dựng đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ K’Bang để người đời sau không quên các anh, các bác, các chú đã phải đổ xương máu như thế nào để đất nước có được như ngày hôm nay…”.
Trở lại hành trình đi tìm mộ liệt sĩ đầy nước mắt của anh Phạm Văn Mẫn. Anh Mẫn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định. Năm 1964, khi Mẫn mới 10 tuổi, người anh Phạm Văn Thành lên đường nhập ngũ.
Anh đi giữa lúc chiến trường vô cùng ác liệt. Gia đình chưa nhận được một lá thư, một dòng nhắn gửi thì đã nhận được giấy báo tử. Sét đánh ngang tai, người mẹ già im lặng, chiều chiều ra gốc đa đầu làng ngồi khóc, vái lạy về phương Nam.
Cậu bé Mẫn thương anh mắt nhòe lệ. Cậu vẫn nhớ cái ngày anh Thành lên đường nhập ngũ. Lúc lên xe, anh đã dúi vào tay Mẫn nắm cơm, khẩu phần ăn mà đơn vị đã phát cho anh trước lúc lên đường.
Ngay khi đất nước thống nhất, dù mới 21 tuổi, Mẫn vẫn quyết chí ngang dọc Nam – Bắc đi tìm anh, cho dù trên tay chỉ có vẻn vẹn một thông tin: “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Ngày đó, có một nhân chứng, hiện đã 80 tuổi nói mơ hồ rằng: “Có thể liệt sĩ Phạm Văn Thành đã được an táng vào nghĩa trang nào đó rồi”.
Lúc bắt xe khách, khi đi xe máy, lúc thì cuốc bộ dọc đường Trường Sơn, hễ gặp nghĩa trang nào là anh Mẫn cũng rẽ vào và lần từng ngôi mộ để tìm tên Phạm Văn Thành. Suốt bao nhiêu năm trời, cứ kiếm được đủ tiền tàu xe, anh lại lên đường.
Nhiều khi cũng nản, nhưng mỗi lần về thăm quê, lại gặp người mẹ già ngồi ở gốc đa đầu làng, đón anh hỏi về thông tin phần mộ anh Thành, anh lại quyết tâm hơn. Những tháng năm vất vả tìm anh trai, thương mẹ già ngóng đợi khiến mái tóc anh Mẫn bạc sớm. Giờ đây, ở cái tuổi ngoài 50, những sợi tóc trắng đã trùm kín mái đầu.
Năm 1990, khi vào nghĩa trang Vĩnh Thạnh (Bình Định), anh thấy một ngôi mộ đề: Liệt sĩ Phạm Văn Thành, không quê quán, không ngày mất. Không hiểu vì sao, khi tìm thấy ngôi mộ này, lòng anh trào dâng xúc động và rất tin tưởng đây là người anh trai của mình.
Tuy nhiên, khi trình bày nguyện vọng được đưa hài cốt “anh trai” về thì người quản trang từ chối kịch liệt, bởi anh không đưa ra được bằng chứng nào khẳng định đây là ngôi mộ của anh trai anh. Còn liệt sĩ có tên Phạm Văn Thành thì ở nước ta có đến cả trăm.
Không có cách nào thuyết phục được người quản trang, anh Mẫn tiến hành… đào trộm. Đêm ấy, nai nịt gọn gàng, cuốc xẻng sắc lẹm, đợi khi người quản trang ngủ say, anh lẻn vào nghĩa trang.
Khi vừa chuẩn bị đào mộ thì mây mù ùn ùn kéo đến che lấp ánh trăng, giông gió nổi lên, sấm chớp đùng đùng rồi mưa như trút nước khiến anh không thể tiến hành đào mộ. Đêm hôm sau, anh thuê thêm vài người nữa, cũng lẻn vào nghĩa trang lúc ban đêm để đào trộm.
Đêm hôm đó giông gió cũng lại nổi lên, sấm chớp đùng đùng, một tia sét đánh thẳng xuống khu nghĩa trang khiến mọi người chạy tán loạn. Không nhụt chí, anh lại tiếp tục tiến hành đào trộm khi đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Lần này, dù trời có mưa cũng quyết chí phải bốc được hài cốt anh lên đưa về quê hương. Thế nhưng, đang đào dở thì bị người quản trang vác gậy đuổi. Ngẫm lại mọi sự kiện xảy ra, anh Mẫn nghĩ rằng: phải chăng người nằm dưới mộ không phải anh mình nên đã ngăn không cho mình mang về?
Thất vọng với suy nghĩ ấy, vả lại người quản trang đã tỉnh táo hơn, nên không còn cách nào đào trộm được, anh đành phải ra Bắc.
Một thời gian sau, lại có một nhân chứng khẳng định: Anh Thành phải được an táng ở Tây Nguyên chứ không phải ở Bình Định. Thế rồi, anh Mẫn lại tìm được ngôi mộ trong một nghĩa trang ở Tây Nguyên, ghi: Trần Văn Thành, quê miền Bắc, hy sinh năm 1965.
Quê miền Bắc và năm hy sinh đã đúng, nhưng liệt sĩ này lại là họ Trần chứ không phải họ Phạm. Với suy nghĩ, giấy báo tử có khi còn nhầm tên họ, huống chi là tấm bia mộ, nhầm lẫn là chuyện thường, nên anh rất tin người nằm dưới nấm mồ này là anh trai mình.
Bích Hằng đang tìm mộ liệt sĩ bên hồ Đắk Lốp.
Cũng lại như lần trước, người quản trang nhất định không cho anh mang hài cốt về. Lúc này, anh đã có nhiều “kinh nghiệm” đào trộm mộ nên anh tin chắc sẽ thành công.
Sau khi báo cáo với gia đình, chính quyền xã Xuân Trung về việc… tìm thấy mộ liệt sĩ Phạm Văn Thành, anh Mẫn tiếp tục lên đường vào Tây Nguyên. UBND xã đã chuẩn bị mọi thủ tục để tổ chức thật long trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.
Trong chuyến đi ấy, chiếc xe khách anh Mẫn ngồi không hiểu sao đang chạy tự dưng quay ngang ra giữa đường rồi chết máy. Mấy lần đào mộ cũng vậy, đều gặp mưa gió, sấm chớp khiến anh không thể đào được.
Sau một lần bị người quản trang tóm được dọa báo với công an thì cũng hết hy vọng đào trộm luôn. Anh Mẫn nghĩ rằng, những lực cản vô hình đó đã nhắc nhở anh rằng đó không phải là ngôi mộ của anh trai mình.
Đến năm 2000, sau khi việc tìm kiếm ở các nghĩa trang bế tắc, anh Mẫn quyết định đi tìm gặp toàn bộ nhân chứng ở Quân khu V, từng biết đến trận đánh ở K’Nak để nắm thông tin chính xác hơn.–PageBreak–
Anh đã gặp được rất nhiều người ở mọi miền Tổ quốc, trong đó, lưu tâm nhất là cựu chiến binh Nguyễn Trọng Ẩm, nguyên Tiểu đoàn phó, phụ trách hậu cứ. Ông Ẩm khẳng định chính tay ông đã đào hố an táng anh Thành cùng 7 liệt sĩ khác. Một vài nhân chứng nữa cũng khẳng định giống nhau là đã kéo được thi thể anh Thành và 7 liệt sĩ nữa ra khỏi trận đánh và chôn cách mép suối Đắk Lốp 25 m, gần trạm Trung phẫu.
Thế là hành trình đào đất tìm mộ vô cùng gian khổ đã diễn ra. Cứ mỗi năm 5-6 lần, anh Mẫn lại “trốn” cơ quan vào biệt Tây Nguyên, lội bộ trong rừng mấy tiếng đồng hồ tìm đến dòng Đắk Lốp. Mỗi lần vào Tây Nguyên, anh lại tổ chức đón các cựu chiến binh cùng đi, những người từng tham gia trận đánh và biết về nơi chôn cất anh Thành.
Các nhân chứng đều đã già yếu, trí nhớ giảm sút nên không nhớ chính xác địa điểm chôn vì sau 40 năm địa hình, địa vật đã thay đổi quá nhiều. Dòng Đắk Lốp khi xưa giờ đã bị chặn lại làm đập thủy điện và dự trữ nước. Thậm chí, cả trạm Trung phẫu giữa rừng khi xưa họ cũng không nhớ chính xác chỗ nào nữa.
Tát biển mò kim, anh Mẫn cứ căng dây từ mép suối lên bìa rừng 25 m rồi đào sâu xuống lòng đất 2 m. Sau nhiều lần đào bới, một con hào có chỗ rộng đến gần 1 mét, dài hơn 500m hình thành bên dòng Đắk Lốp, anh Mẫn tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền của, nhưng tuyệt nhiên không thấy bộ hài cốt nào.
Cũng từ những năm tháng bỏ công sức đi tìm anh trai, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử mà anh Mẫn mới biết đến một trận đánh khốc liệt năm xưa. Và cũng chính từ cuộc đi tìm mộ đầy gian khổ của anh Mẫn mà bức màn bí mật về trận đánh khốc liệt ở K’Nak đã được vén lên.
Cụm cứ điểm K’Nak nằm trên một mỏm núi, thuộc huyện K’Bang (Gia Lai), cách phía bắc thị trấn An Khê khoảng 25 km đường ôtô, 10 km đường rừng và vài giờ đi bộ. Mỏm núi này được bao bọc bởi các thung lũng, khe suối, sình lầy, có tác dụng cản đường tiến quân, tập kích của đối phương.
Từ căn cứ này, qua đường không, địch có thể nhanh chóng kiểm soát các hướng di chuyển của ta từ Bắc vào Nam và từ miền Trung lên Tây Nguyên. Bằng đường bộ, địch có thể tập kích vào các hướng di chuyển của quân ta từ Bình Định lên Pleiku.
Tại đây, quân địch đã xây dựng một cụm cứ điểm bao gồm đồn lũy, trận địa pháo và nhiều hàng rào thép gai, bãi mìn dày đặc để bảo vệ. Cách mỏm núi 2 km có mỏm núi cao hơn, được chúng san bằng làm bãi đáp máy bay trực thăng và một trận địa pháo binh chi viện cho K’Nak, cũng cách cứ điểm hơn 2 km.
Tại cứ điểm K’Nak luôn có một tiểu đoàn, khoảng 450 đến 500 tên chiếm đóng, canh giữ nghiêm ngặt. Quân ta đã nhiều lần tấn công cụm cứ điểm này nhưng toàn bị địch đánh bật trở ra.
Đầu năm 1965, Bộ tư lệnh Quân khu V và Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng với quy mô lớn nhằm tấn công san phẳng cứ địa này.
15h ngày 7/3/1965, quân ta xuất phát từ căn cứ Kong Hà Nừng (Vĩnh Thạnh) tiến về địa điểm tập kết đông K’Nak. 18h, quân ta tiến đến sát suối Đắk Lốp và 19h thì tiếp cận mục tiêu. Tất cả các vị trí đều đã triển khai theo kế hoạch, chỉ còn chờ hiệu lệnh là tấn công, chiếm lĩnh các điểm trọng yếu rồi đánh xốc vào trung tâm căn cứ, khiến địch không kịp triển khai không lực.
Tuy nhiên, vào lúc 23h30’, bộ đội ta vấp phải mìn nổ, mìn sáng. Địch lập tức nhả đạn pháo trùm lên toàn bộ đội hình D904, E10. Tiến thoái lưỡng nan, các đơn vị của ta chấp nhận hy sinh, dốc toàn lực vượt qua bão đạn, tấn công vào các vị trí của địch.
Sau nhiều giờ chiến đấu dũng cảm, quân ta đã đánh chiếm được điểm cao phía bắc và phía nam, nhưng hướng chủ yếu ở giữa chỉ chiếm được một nửa và đã bị quân địch nhả đạn như mưa rào từ các hầm cố thủ, khiến thương vong rất nặng.
Tham mưu trưởng Lê Sơn Hổ cùng trợ lý tác chiến Bình lao lên tổ chức số cán bộ, chiến sĩ còn lại ở điểm cao phía bắc để đánh sang khu trung tâm, nơi có hệ thống hầm hào cố thủ. Tuy nhiên, mới bắt đầu tấn công, hai đồng chí Hổ và Bình đã bị trúng đạn.
Sau đó các chiến sĩ quyết tử xông lên cũng đều ngã xuống bởi hỏa lực dữ dội của địch. Đến 0h30’ ngày 8/3/1965, quân ta thương vong nhiều. Địch tổ chức lực lượng phản kích khiến lực lượng còn lại của ta tiếp tục hy sinh…
Trước khi quân ta tổ chức tấn công, đồng chí Nguyễn Trọng Ẩm đã chỉ đạo đào sẵn 50 huyệt bên suối Đắk Lốp, cạnh trạm Trung phẫu, cách vị trí địch 8 km để mai táng liệt sĩ sau trận đánh.
Chỉ có 8 thi thể liệt sĩ là được mai táng, trong đó có liệt sĩ Phạm Văn Thành và Tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Đãi. 8 đồng chí bị hy sinh ngay từ đầu trận đánh nên mới đưa ra được phía sau để chôn cất. Về sau, địch phản kích anh em hy sinh gần hết, lực lượng cứu thương cùng dân công hỏa tuyến cũng hy sinh nên không còn người cấp cứu và tải thương ra.
Theo tổng kết từ các đề tài nghiên cứu khả năng tìm mộ thành công của các nhà ngoại cảm chỉ đạt 60%. Tuy nhiên, 40% còn lại không phải hoàn toàn do lỗi của các nhà ngoại cảm mà có nhiều nguyên nhân như: Địa điểm có hài cốt (nơi có nhiều loại sóng, tia đất làm nhiễu xạ thông tin thì khó tìm – PV); sự kiên nhẫn của người đi tìm (nếu người đi tìm mộ không kiên trì, thành tâm hướng đến người chết, tin tưởng vào nhà ngoại cảm thì nhà ngoại cảm rất khó thu nhận thông tin, hoặc thu nhận không chính xác); đặc biệt, những người hay nản chí, phát biểu thiếu xây dựng… không khác gì “khủng bố” (từ của Bích Hằng) các nhà ngoại cảm, khiến họ mất hết khả năng.
Các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, các nhà ngoại cảm, thân nhân liệt sĩ trong trận đánh K’Nak và Chuyên đề ANTG kêu gọi bạn đọc cả nước chung tay đóng góp xây dựng đài tưởng niệm tại K’Nak và tân trang, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ K’Bang.
Hiện tại nghĩa trang liệt sĩ K’Bang quá nhỏ, trong khi đó, các nhà ngoại cảm vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và sẽ còn tìm thấy hàng trăm liệt sĩ nữa trong rừng sâu K’Nak.
Những linh hồn dưới hồ sâu Đắk Lốp
Trước khi lên đường vào Tây Nguyên, Thiếu tướng Chu Phác, Đại tá Hàn Thụy Vũ và anh Mẫn đã đến nhà Bích Hằng để “mời” vong linh liệt sĩ Ngô Trọng Đãi và Phạm Văn Thành về xin ý kiến. Trong bảng lảng hương khói thành kính, Bích Hằng chắp tay trước ngực, mắt đăm chiêu nhìn vào di ảnh đã ố vàng của hai liệt sĩ.
Anh Mẫn cũng chắp tay vái lạy và nói trong nước mắt: “Thưa bác Ngô Trọng Đãi và anh Thành! Nhiều năm qua cháu không lúc nào nguôi nhớ về anh Thành và các bác. Cháu đã đi tìm nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được mặc dù đã có rất nhiều nhân chứng chỉ chỗ chôn cất.
Cháu cắn răng, cắn cỏ vái lạy bác linh thiêng giúp đỡ tìm được mộ anh cháu và các bác. Dù vất vả, gian khổ thế nào cháu cũng sẽ quyết tâm hoàn thành. Nếu không tìm được sớm thì rồi cha mẹ già cháu không biết có chờ được nữa không, các cụ đều đã 85 – 90 tuổi rồi…”.
Sau nửa phút im lặng chờ đợi tưởng như nghẹt thở, khuôn mặt Bích Hằng đột nhiên hớn hở: “Cháu chào bác Đãi!”. Sau đó Hằng liên tục “dạ, vâng”. Qua Bích Hằng, Thiếu tướng Chu Phác và anh Mẫn thay nhau “hỏi” chuyện liệt sĩ Đãi. Cuộc “chuyện trò” đã diễn ra suốt 2 tiếng đồng hồ với rất nhiều nước mắt lăn tràn trên đôi má xạm đen của anh Mẫn, người đã dành cả cuộc đời trai trẻ đi tìm anh.
Trong những thông tin mà liệt sĩ Ngô Trọng Đãi “cung cấp” có một số thông tin đáng chú ý mà mọi người ghi chép lại rất cẩn thận: “Tọa độ các đồng chí xác định là đúng, nơi trạm Trung phẫu an táng 8 người, nhưng địa điểm cụ thể thì chưa đúng, phải lùi về phía suối nữa, nơi có nhiều cây le gần sát nước.
Trước đây mai táng cách suối khoảng 25m, nhưng đấy là lúc suối cạn, bây giờ suối ngập nhiều. Lần nào cậu vào K’Nak tìm kiếm anh em liệt sĩ cũng biết. Sự hiện diện của cậu bao nhiêu năm nay ở núi rừng K’Bang là nguồn động viên rất lớn đối với anh em liệt sĩ vì anh em tin rằng nhờ cậu mà có thể có cơ hội được về quê. Nhưng cậu chỉ tìm anh cậu còn bỏ mặc những người khác thì làm sao tìm được”.
Khi những hạt mưa xuân lắc rắc trên đường phố Hà Nội thì đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bắt đầu lên đường. Trong số nhân chứng đi cùng hôm đó có cựu chiến binh Nguyễn Văn Cán, hiện đã 75 tuổi. Khi vào đến K’Nak, ông như đang sống lại với trận đánh đầy bi tráng của 40 năm trước, với máu đồng đội nhuộm đỏ chiến hào.
Đào tìm hài cốt liệt sĩ ở hồ Đăk Lốp.
Trong nước mắt chứa chan, ông kể: “Lúc đó, hỏa lực địch trùm lên trận địa, pháo, rốckét cày xới từng miếng đất khiến quân ta thương vong quá nhiều. Tôi phải điện báo cáo với cấp trên nhưng chưa kịp nói thì Tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Đãi giật lấy bộ đàm từ tay tôi để xin ý kiến chỉ đạo. Anh nói chưa dứt câu thì một quả đạn cối của địch nổ ngay trước mặt.
Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh bụng anh Đãi bị phá một mảng lớn, máu chảy xối xả, ruột lòi cả ra ngoài. Tôi phải xếp ruột anh lại, xé áo buộc chặt bụng anh. Vết thương quá nặng, anh nhìn tôi, nắm chặt tay tôi, môi mấp máy như muốn dặn dò điều gì, nhưng không thốt ra được lời nào. Sau đó dân quân hỏa tuyến chuyển anh ra trạm Trung phẫu cấp cứu, nhưng đi đến nửa đường thì anh tắt thở…”.
Ngay khi lội rừng vào đến K’Nak, đoàn tìm kiếm hài cốt tiến hành công việc ngay. Tuy nhiên, mọi người đào bới loanh quanh suốt cả ngày mà không thấy dấu hiệu gì. Điều kỳ lạ là các nhà ngoại cảm cũng mất hết thông tin, có chăng thì rất mờ nhạt.
Bích Hằng và Thẩm Thúy Hoàn cũng chỉ một số địa điểm theo cảm tính, nhưng đào lên chỉ thấy đất đá mà thôi. Cả ba nhà ngoại cảm làm lễ bên suối gọi “vong” lên hỏi thông tin, nhưng gọi mãi không được. Trời tối, công việc tìm kiếm phải tạm dừng.
Cũng trong đêm ấy, tại nhà nghỉ, Thẩm Thúy Hoàn mới gặp được “vong” liệt sĩ Ngô Trọng Đãi. Liệt sĩ Đãi “dặn” rằng: “Triển khai đào xuống phía dưới, không đào ở trên cao. Nhưng phải tiến hành tìm các liệt sĩ khác rồi mới tìm được tôi và anh Thành. Nếu không sẽ không có ai tìm những anh em còn lại nữa”. Cùng thời gian đó, liệt sĩ Đãi “gặp” Bích Hằng “dặn” thêm: “Cháu yên tâm, không đi nhầm đâu. Sát mép bờ suối còn nhiều anh em lắm, cố tìm hết nhé”.
Ngày hôm sau, các nhà ngoại cảm chia làm hai nhóm nhằm mở rộng phạm vi tìm kiếm hàng trăm liệt sĩ còn nằm quanh vị trí K’Nak. Thẩm Thúy Hoàn, Nguyễn Khắc Bảy theo dõi việc khai quật ở khu vực trạm Trung phẫu. Nhóm Phan Thị Bích Hằng cùng một số nhân chứng khảo sát ở khu vực quanh K’Nak.
Theo “chỉ dẫn” của liệt sĩ Đãi, Bích Hằng đã xác định được một vị trí bên dòng suối, trong lùm cây rậm, có gò mối lớn. Tại đây, tìm được 22 bộ hài cốt liệt sĩ. Tại một vị trí khác, bên dãy cây bạch đàn, tìm thêm được 12 bộ hài cốt nữa.
Cũng trong ngày hôm đó, Thẩm Thúy Hoàn tìm được hài cốt 5 liệt sĩ. Đặc biệt, chị đã xác định được một địa điểm giữa ruộng ngô nhà dân, bên bờ suối, phía ngoài là rừng cây báng súng. Khi đào địa điểm này lên, tìm được 37 hài cốt liệt sĩ.
Ngày hôm sau, Thúy Hoàn và Bích Hằng lại tìm được thêm 6 liệt sĩ bên lề đường dẫn vào một lâm trường… Tổng cộng, trong vài ngày ngắn ngủi của đợt đầu tiên đoàn tìm mộ ở K’Bang đã tìm được gần 100 hài cốt liệt sĩ trong các hố chôn tập thể. Điều khó tin nhất là các nhà ngoại cảm xắp xếp xương cốt của từng người rất chính xác, mặc dù các liệt sĩ được chôn tập thể, xương cốt lẫn lộn.
Cũng trong ngày cuối của đợt tìm mộ đầu tiên, liệt sĩ Đãi đã “hướng dẫn” Bích Hằng xác định tọa độ nơi 8 liệt sĩ nằm. Anh Mẫn kiếm chiếc ghe chở Bích Hằng ra giữa hồ và chị đã cắm 8 chiếc cọc xuống đáy hồ nước mênh mông.
Tuy nhiên, khi đó nước hồ quá lớn, không thể lặn xuống hồ đào được, mà xả nước hồ thì ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở thị trấn K’Nak, do vậy, đoàn phải rút về Hà Nội.
Vài tháng sau, nhân dịp vào Đà Nẵng công tác, anh Mẫn đã ghé qua K’Bang. Phát hiện ra suối Đắk Lốp cạn trơ đáy, hồ nước cũng khá cạn nên anh đã báo cho bộ môn Cận tâm lý. Khi đó, nhà ngoại cảm Bích Hằng đi nước ngoài, nên Thẩm Thúy Hoàn lên đường vào ngay K’Nak.
Nói là hồ cạn, nhưng từ mặt nước đến đáy vẫn sâu 5 – 6 m. Anh Mẫn và một người bạn là cảnh sát đặc nhiệm cùng buộc dây thừng, ôm đá lặn xuống đáy hồ móc gỗ, đá, lá cây chèn kín miệng đập. Cứ lặn ngụp như vậy suốt 2 ngày, moi lên vài tấn rác mới mở được cửa xả nước.
Khi lòng hồ trơ đáy thì mọi người tiến hành đào bới quanh chỗ Bích Hằng cắm cọc mấy tháng trước. Tuy nhiên, đào bới suốt 4 ngày trời, hố đào đã rộng đến gần trăm mét vuông mà vẫn không thấy bộ hài cốt nào. Đúng lúc mọi người tỏ ra chán nản thì mây đen ùn ùn kéo đến.
Nếu mưa lớn thì hồ nước lại ngập mênh mông, không biết khi nào mới có cơ hội tiếp tục khai quật. Anh Mẫn nước mắt ròng ròng quỳ xuống trách các vong linh liệt sĩ: “Cháu vào đây làm những việc chưa ai từng làm để tìm anh cháu và các chú, các bác. Vậy mà các bác không thương cháu. Lần này lại phải về không rồi”.
Anh vừa dứt câu khấn thì một chiến sĩ reo lên: “Thấy rồi anh Mẫn ơi!”. Không ngờ, cậu chiến sĩ trẻ chỉ đào loanh quanh chỗ mọi người đã đào mà lại phát hiện ra một mẩu xương trắng lốp, rồi sau đó, 8 bộ hài cốt lần lượt hiện ra dù chẳng còn được là bao, sau 40 năm nằm dưới lòng đất và lòng hồ.
Sau lần tìm được 8 liệt sĩ dưới đáy hồ, đoàn tìm mộ cùng các nhà ngoại cảm còn có 4 lần nữa vào K’Bang và tổng số liệt sĩ đã tìm được là 300.
Những lý giải bước đầu của các nhà khoa học
Theo Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thì: “Việc “thấy” của các nhà ngoại cảm xét dưới góc độ khoa học hiện đại thực ra là hiện tượng “Thiên nhãn thông”, một trong 10 lợi ích của thiền định”.
GS-TS Nguyễn Ngọc Kha có quan điểm: “Cơ sở của hiện tượng này là “tổ chức lưới” đặc biệt dưới vỏ não đã tạo ra “trực giác xuất thần”. Ở một số người mà hệ thần kinh đã chịu những sang chấn đặc biệt như: chết lâm sàng, điện giật hoặc bị chấn thương quá nặng… những sang chấn đó được hoạt hóa vùng dưới vỏ não, tương tác mạnh với vỏ não làm xuất hiện ra ngoài những khả năng đặc biệt”.
Trong số những lý giải của các nhà khoa học về hiện tượng đầy bí ẩn này, lý giải của GS Đào Vọng Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, được nhiều nhà khoa học đánh giá cao.
Bản thân ông cũng đã kiên trì tập luyện để không những tìm ra lời giải mà còn mong biến mình thành một người cũng có… khả năng đặc biệt. Mỗi ngày ông thường ngồi thiền định hàng giờ đồng hồ và đôi lúc đã “nhìn thấy, nghe thấy…”. Một số cán bộ ở Trung tâm bật mí với tôi rằng, GS Đức có thể nhập định ở cấp 13 và năng lượng của ông khiến một số cây cỏ héo rũ sống lại được.
Theo GS Đào Vọng Đức, vũ trụ có 4 loại tương tác, gồm: tương tác mạnh, tương tác yếu, tương tác điện tử và tương tác hấp dẫn. Trong đó, tương tác hấp dẫn là gần gũi nhất. Thống nhất được các loại tương tác này là một sự thăng hoa của vũ trụ.
Thuyết Đại thống nhất sẽ là học thuyết của mọi thứ. Một phương hướng hiện nay được xem là có nhiều triển vọng để xây dựng thuyết Đại thống nhất là lý thuyết Dây, mà nền tảng là lý thuyết Trường lượng tử (vấn đề này tác giả sẽ phân tích kỹ vào dịp khác). Trong lý thuyết Dây, nhất thiết phải có các trường “Vong” (ghost) giữ vai trò chủ chốt trong các cấu trúc, chỉ đạo chi phối tương tác nhưng lại không xuất hiện một cách tường minh.
Lý thuyết Đại thống nhất lượng tử trong không – thời gian 11 chiều sẽ bao gồm cả 4 loại tương tác trong vũ trụ. Vậy thì ngoài không gian 4 chiều như chúng ta vẫn hiểu thì còn không gian nào nữa? Về lý thuyết, vật thể vi mô có kích cỡ 0,000000000001cm, chuyển động không theo bất cứ một quỹ đạo xác định nào, có nghĩa là chúng có thể chuyển từ vị trí này sang vị trí khác theo vô số con đường cùng một lúc.
Cũng như vậy, vật thể vi mô có thể cùng một lúc có mặt tại vô số vị trí khác nhau, cùng một lúc ở vô số trạng thái khác nhau. Thế giới huyền bí mà các nhà ngoại cảm tiếp cận được chính là thế giới vi mô này. Thế giới này không phải là năng lượng, tốc độ, tự nhiên nữa mà là siêu năng lượng, siêu tốc độ, siêu tự nhiên.
Như vậy, đối với thế giới huyền bí, mà các nhà ngoại cảm, bằng khả năng đặc biệt có thể tiếp cận được, sẽ không còn khái niệm thời gian, không gian nữa.
Một nhà bác học người Nga, đồng Chủ tịch Hội nghị Quốc tế về thông tin lượng tử có nói: “Biết đâu trong quá trình tạo ra loài người, tạo hóa đã từng gắn một máy tính lượng tử vào não con người?”.
Ông Đức cho rằng, nếu trong não người có một tri thức mà các nhà khoa học quốc tế gọi là máy tính lượng tử thì hiện tại, với con người bình thường hiện nay, máy tính lượng tử đang nằm ở phần vô thức trong não bộ.
Nếu làm sống dậy được máy tính lượng tử này thì tia sáng không chỉ lóe lên phía cuối địa đạo huyền bí mà cả vũ trụ sẽ là một vầng hào quang rực rỡ. Như vậy, phải chăng, một phần khả năng rất nhỏ của cái gọi là máy tính lượng tử đang hoạt động trong não bộ của những nhà ngoại cảm?
Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là lý giải bước đầu của một số nhà khoa học về ngoại cảm. Việc nghiên cứu đi tới “tiếng nói” đồng thuận có sức thuyết phục cao vẫn còn là quá trình lâu dài.
Lý giả về ngoại cảm: Tiềm thức khai mở khả năng đặc biệt
Người đời nhìn vào họ như nhìn vào vị Thánh, Đức Phật để rồi gọi họ là “cậu”, là “cô” rất thành kính và coi họ như “người Trời” chứ không phải người thường. Đó cũng là lẽ thường của cuộc sống, bởi vì, cho đến hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới cũng như trong nước vẫn chưa có được những lời giải thực sự thuyết phục được số đông công chúng.
Khả năng ngoại cảm đã được các nước trên thế giới nghiên cứu từ cả thế kỷ nay. Nhiều nước còn lập cả viện nghiên cứu để sử dụng khả năng của các nhà ngoại cảm vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thiên văn, dự báo, khám phá tội phạm, thậm chí cả trong lĩnh vực quân sự…
Các nhà khoa học ở nước ta đã bắt đầu nghiên cứu các hiện tượng đặc biệt của con người, tự nhiên từ khoảng 15 năm nay. Đi đầu trong lĩnh vực này phải kể đến bộ tứ cơ quan gồm Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng, Trung tâm Bảo trợ văn hóa truyền thống, Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an và Bộ môn Cận tâm lý của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.
Các cơ quan này đã tập hợp được đông đảo nhà khoa học tài ba, ham mê khám phá những hiện tượng kỳ lạ, khả năng đặc biệt nhằm khai thác để phục vụ đất nước. Mặc dù đã hoạt động được 15 năm, triển khai cả ngàn đề tài khoa học, song đối với vấn đề ngoại cảm sâu rộng vô biên, đây cũng mới chỉ là bước nghiên cứu đầu tiên, nhằm đánh giá đúng sai, thật giả mà thôi.
Hầu hết các nhà ngoại cảm có khả năng thật sự đã được phát hiện nhờ các cơ quan trên đây, những trường hợp bịp bợm, ảo tưởng (số này đến cả ngàn) cũng bị loại bỏ nhờ các đề tài nghiên cứu rất cụ thể, chi tiết. Kết quả thể hiện khả năng của các nhà ngoại cảm đã được đánh giá bằng những số liệu khoa học chính xác và các nhà khoa học ở các trung tâm này đều khẳng định hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm là có thật.
Con số tìm được mộ và tìm chính xác chiếm khoảng 60%. Có nhà ngoại cảm còn tìm chính xác đến 81%. Tuy nhiên, việc lý giải hiện tượng kỳ lạ này dường như vẫn là một chân trời rộng mở vô biên mà các nhà khoa học mới chỉ chập chững bước chân vào mà thôi.
Trong số cả trăm nhà khoa học miệt mài theo chân các nhà ngoại cảm lên rừng, xuống biển tìm hài cốt liệt sĩ, mới chỉ có vài nhà khoa học lên tiếng đưa ra lời lý giải cho hiện tượng này.
Một trong số những nhà khoa học nghiên cứu về các khả năng đặc biệt và khả năng tìm hài cốt, là nhà khoa học Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng. Ông rất tích cực đi tìm hiểu bản chất của hiện tượng và ứng dụng nó vào đời sống cộng đồng.
Theo ông, việc giải thích hiện tượng này không phải một sớm một chiều. Ông đã trình bày công trình nghiên cứu khảo nghiệm ở một số hội thảo và nhận được ủng hộ của nhiều nhà khoa học.
Hội đồng khoa học Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng chủ trương nghiên cứu hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm từ việc khám phá bản thể, tiềm thức ẩn giấu trong con người.
Tiềm thức nhiều khi được thể hiện thông qua việc “nối dài các giác quan”, trong đó có giác quan thứ 6, ẩn chứa những khả năng vô biên. Ở các loài thú, loại giác quan này vô cùng nhạy bén và thể hiện rất rõ.
Bản năng con người thời kỳ sơ khai cũng tương tự bản năng của động vật, nhưng được tạo hóa đặt trên một bình diện cao hơn. Trước những sự kiện xảy ra xung quanh, con người đã nhờ đến sự chỉ dẫn của trực giác trước khi hành động.
Bản năng cộng với sự lao động đã phát triển tư duy, mang lại cho con người trí thông minh và trí nhớ tạo nên sự hiểu biết. Tác dụng vô thức của bản năng được gọi là “tiềm thức” và nó có ý nghĩa khác với bản năng thú tính.
Các nhà ngoại cảm cũng như những người có khả năng đặc biệt thường khai thác tiềm thức đưa hoạt động của bộ não về dạng tiềm thức rồi sử dụng ý nghĩ để chất vấn tiềm thức cá nhân của mình. Khi đó, tiềm thức sẽ đưa ra câu trả lời và nhà ngoại cảm nói và hành động theo sự hướng dẫn của tiềm thức. Khi hoạt động trí não ở thể tiềm thức, cơ thể sẽ vô cùng nhạy cảm với các hiện tượng, sự vật xung quanh và có thể cảm thụ, giải mã hoàn hảo những gì tác động lên họ.
Các nhà khoa học trên thế giới đã mất nhiều năm trời để nghiên cứu khả năng vô biên của bản năng, tiềm thức của con người. Họ cho rằng, khi tiềm thức hoạt động, tiềm thức sẽ sử dụng “con mắt thứ ba”. Ngày xưa, khi con người thường xuyên sử dụng tiềm thức thì “con mắt thứ ba” rất phát triển, nó nằm ngay trên trán.
Tiến sĩ Pravdivtsev, người Nga, đã bỏ gần như cả cuộc đời để nghiên cứu về “con mắt thứ ba” và ông khẳng định rằng, bằng nghiên cứu về phôi thai hiện đại, có thể tìm thấy “con mắt thứ ba” ở tháng thứ hai của phôi thai, nhưng con mắt này sẽ dần mất đi khi thai nhi tiếp tục lớn và chỉ còn là tuyến yên trước tiểu não khi sinh ra mà thôi.
“Con mắt thứ ba” đó chính là tuyến epiphysis (tuyến quả thông), một bộ phận nhỏ cỡ hạt đậu, có hình dạng quả lê và màu đỏ nâu, nằm ngay trước tiểu não. Theo nhận định của các nhà khoa học, trong quá khứ, bộ phận này có thể to bằng hạt nhãn.
Con mắt này có rất nhiều tác dụng đặc biệt. Nó như một thấu kính hội tụ truyền đi tối đa thông tin mà nó nhận được, giúp con người giám sát xung quanh một cách toàn diện. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy một quy luật khá thú vị, đó là những người có khả năng thông tin đặc biệt, phần xương trên chóp mỏng đến mức chỉ còn như một lớp da.
Phải chăng, epiphysis có liên quan đến thị giác và những thông tin đặc biệt của con người? Có thể chính “con mắt thứ ba” là cơ quan giúp một số người có được những khả năng đặc biệt như tiên tri hay thần giao cách cảm…
Theo các nhà yoga, các thiền sư lỗi lạc, ai cũng có “con mắt thứ ba”, vấn đề là có biết “mở” nó ra hay không.
“Con mắt thứ ba” của một số nhà yoga có tác dụng như những tia X-quang, đi xuyên qua các bức tường, nhìn thấy vật đằng sau, hoặc phát hiện được kho báu dưới lòng đất. Họ còn có thể quan sát được các sự kiện diễn ra ở bất cứ thời gian nào và bất cứ ở đâu trên trái đất.
Ở Ấn Độ, những người có khả năng như vậy được gọi là Trikalazna, có nghĩa là người biết được cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Ở châu Âu người ta gọi là nhà chiêm tinh học hay nhà tư tế.
Trong các bài giảng về yoga, con người có thể luyện tập để khai mở “con mắt thứ ba”. Việc khai mở được ở mức nào thì nhà yoga có khả năng ở mức đó. Nếu nhà yoga vượt qua được mức thứ nhất thì có thể nhìn thấy những vòng hào quang phát tiết từ đồ vật, con người hoặc cơ thể mình.
Các nhà khoa học khẳng định, dựa vào cấu trúc của bộ não, vật báu trời cho, bất cứ người nào cũng có thể đạt được ba mức độ trên bằng cách luyện tập kiên trì, bài bản.
Mức độ cao nhất, luyện đến độ tinh thông thì hiếm người làm được. Để đạt tới ngưỡng này, con người cần phải cống hiến toàn bộ cho sự nghiệp hoàn thiện tinh thần. Khi đã đạt đến mức độ tuyệt đỉnh của giai đoạn thứ tư, con người sẽ không cần học ai và không cần học cái gì nữa. Khả năng tinh thần sẽ cho phép con người biết và nhìn thấy tất cả những gì mong muốn, không phụ thuộc vào thời gian và không gian.
Các bài học yoga có mục đích khai mở những khả năng bí ẩn của bộ não. Các thiền sư tu hành khổ hạnh cũng mang khát vọng như vậy. Khi đạt đến độ thâm sâu, nhà tu hành không cần học gì nữa mà vẫn biết mọi sự trên đời. Khi đó, nhà tu hành tiếp thu trí tuệ từ vũ trụ.
Tuy nhiên, trí tuệ vũ trụ là vô biên, vì thế, sự hiểu biết của các nhà tu hành dù cao siêu đến đâu thì họ cũng chỉ dám so sánh với chiếc lá trong bàn tay mà thôi, còn những gì không biết là cả rừng lá.
Theo nhà khoa học Vũ Thế Khanh, “con mắt thứ ba” tiềm ẩn trong não người dù có chức năng như các nhà khoa học thế giới nghiên cứu đi chăng nữa thì nó cũng chỉ có tác dụng một phần trong khả năng kỳ diệu không lường được của các nhà ngoại cảm.
Để hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về vấn đề này, ông Khanh và các GS, TS, các nhà khoa học hàng đầu của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng đã nghiên cứu sự tác động qua lại giữa vật thể và ý thức thể.
Theo ông Khanh, giữa vật thể và ý thức thể có 4 loại tác động: vật thể tác động vật thể; vật thể tác động ý thức thể làm thay đổi ý thức thể; ý thức thể tác động làm thay đổi vật thể (làm di chuyển, biến dạng cấu trúc vật thể bằng ý nghĩa, tác động cách không, như trường hợp làm cong thìa, nĩa bằng ý nghĩ của một số nhà ngoại cảm trên thế giới) và cuối cùng là ý thức thể tác động với ý thức thể (hay còn gọi là tâm giao tâm, tức nói chuyện bằng ý nghĩ, ngoại cảm).
Các nhà khoa học ở Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng cho rằng, khoa học hiện đại đã chưa thấy hết hiệu quả phần ý thức thể tác động làm thay đổi vật thể và coi hiện tượng tâm giao tâm là ngoài khoa học, là thần bí.
Theo các nhà khoa học ở Liên hiệp, việc ý thức thể có thể tác động, điều khiển, làm biến dạng, thay đổi được vật thể mạnh hay yếu là phụ thuộc vào khả năng sẵn có trong mỗi con người kết hợp với sự luyện tập kiên trì để phát huy sức mạnh của ý thức thể.
Ông Khanh và các nhà nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng đưa ra một nhận định khá đặc biệt, hơi khác với triết học duy vật hiện thời: ý thức thể cũng là một dạng vật chất!
Ông Khanh giải thích rằng, thế giới tự nhiên tác động vào con người bằng ánh sáng, âm thanh, mùi, vị, xúc qua các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, da. Sự tác động của tự nhiên đến các giác quan sẽ sinh ra thức (nhận thức) như: thích, không thích, hợp, không hợp….
Cũng từ đây mới sinh ra hỉ, nộ, ái, ố… và tạo ra phản ứng cho cơ thể. Sự phản ứng đồng thời sẽ sinh ra lực cộng hưởng rồi tạo ra tác động lực. Tác động lực sẽ phát ra không gian (gọi là năng lượng sinh học) mạnh hoặc yếu. Hiện nay, với máy móc hiện đại như điện tâm đồ, điện não đồ đã đo được năng lượng sinh học của con người.
Chính năng lượng sinh học tiềm ẩn sinh ra điện trường, từ trường mà thường gọi là trường sinh học. Trường sinh học sẽ tạo ra hiện tượng tâm giao tâm, gọi là “truyền âm nhập mật” hay “nghĩ ngữ truyền thanh”, tức là có thể trò chuyện, hiểu được tâm tư của nhau bằng ý nghĩ. Cũng theo lý giải của ông Khanh, dù con người mất đi, song trường sinh học sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Qua lý giải này thì một số nhà nghiên cứu về tiềm năng con người đã khẳng định ý thức thể, tâm thức cũng là một dạng vật chất, nhưng là vật chất đặc biệt, có sự chuyển đổi biến ảo khôn lường. Chẳng hạn, chị Ngô Thị Tuyển có thể vác một lúc hai hòm đạn chạy băng băng trong cảnh mưa bom bão đạn.
Lúc bình thường chị không thể vác được như vậy, song trong hoàn cảnh đó ý thức thể đã biến thành năng lượng và chuyển năng lượng vào các cơ bắp, làm cho cơ bắp nhỏ bé, mềm yếu thường ngày đột nhiên có một sức mạnh phi thường. Qua đây, có thể thấy ý thức thể là một dạng vật chất rất mạnh và trong tương lai có thể lượng hóa được bằng khoa học, máy móc hiện đại. Vì ý thức thể là một dạng vật chất đặc biệt nên nó có thể tác động làm biến đổi vật thể (?!).
Chính ý thức thể, tiềm thức đã sinh ra điện trường, từ trường và trường sinh học. Theo các nhà khoa học thì trường sinh học phát sinh từ cơ thể người cũng là một dạng vật chất và nó tồn tại vĩnh viễn, do đó, dù con người mất đi thì cũng không ảnh hưởng gì đến trường sinh học.
Trường sinh học không những có thể chu du đến khắp nơi trên thế giới mà có thể vươn ra ngoài vũ trụ. Trường sinh học mã hóa và lưu giữ toàn bộ thông tin mà bộ não con người thu nhận được. Những gì chúng ta ghi nhớ được chỉ nằm trên bộ phận nhỏ của bộ não, nhưng những gì tác động đến chúng ta thì hệ tiềm thức chụp lại và lưu giữ như ổ cứng của máy tính hoặc được mã hóa rồi được lưu giữ ở trường sinh học.
Việc các nhà ngoại cảm “nói chuyện” được với linh hồn thực tế là do tiềm thức của nhà ngoại cảm dịch được những thông tin mã hóa mà trường sinh học mang theo, như chiếc đài hay chiếc tivi giải mã được tần số sóng vậy. Cũng có thể nhà ngoại cảm tưởng trên đời có linh hồn thật, bởi không phải lý trí nhà ngoại cảm “nói chuyện” với “linh hồn” mà là tiềm thức “nói chuyện” (thực ra là tiềm thức khai thác thông tin từ trường sinh học) rồi chỉ đạo cho lý trí.
Những câu hỏi của nhà ngoại cảm với linh hồn để xin sự chỉ dẫn chẳng qua là sự chất vấn của ý thức với tiềm thức. Việc nhà ngoại cảm biết những thông tin, những sự kiện xảy ra trong đời của người khác là bởi vì tiềm thức siêu đẳng của nhà ngoại cảm đọc được cả ý nghĩ và tiềm thức của người khác, chứ không phải do linh hồn người thân kể lại.
Cũng có thể tiềm thức của nhà ngoại cảm như một chiếc máy phân tích hình ảnh siêu hiện đại. Mỗi khi ý thức yêu cầu, tiềm thức lập tức giải mã hình ảnh từ sóng trường sinh học. Hình ảnh mà nhà ngoại cảm nhìn thấy là linh hồn có thể chỉ là hình ảnh giải mã của tiềm thức, song hình ảnh đó là đa chiều (chứ không phải hình ảnh 3D hay 4D thông thường), nên nhà ngoại cảm cũng tưởng rằng hình ảnh trước mắt là linh hồn của một con người thực sự.
Đây chính là hệ tương tác giữa ý thức thể và ý thức thể. Với tương tác này, nhà ngoại cảm, những thiền sư lỗi lạc có thể nói chuyện được với nhau bằng ý nghĩ. Họ có thể hiểu, đọc ý nghĩ của người thường, nhưng người thường thì không đọc được ý nghĩ của họ, nên người thường cho họ là thần thông quảng đại. Khi nhà ngoại cảm nói ra vài sự kiện đúng thì người đối diện đã nghĩ họ là “con Trời, con Phật” rồi.
Với khả năng lưu giữ thông tin, các nhà khoa học khẳng định, trường sinh học hay ý thức thể cũng là một dạng vật chất, nhưng là siêu vật chất. Loại vật chất đặc biệt này không phụ thuộc sự giới hạn của không gian, thời gian. Chuyên đề ANTG mong nhận thêm được những lý giải của các nhà khoa học về hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm để dư luận có được những cái nhìn khách quan, nhiều chiều nhằm khám phá lĩnh vực đầy bí ẩn này
Ban đọc có nhu cầu tìm mộ xin liên hệ: Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, số 1, Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.