1. Nguồn gốc văn học
Không mấy phạm trù bị xuyên tạc và hiểu lầm bằng phạm trù Ngũ Hành. Nó bị ngộ nhận kể ngay từ những người đầy thiện chí và giàu cảm tình với Triết học Đông phương. Hơn thế có thể nói nó đã bị chôn vùi ngay từ đời Hán. Và từ đó chỉ còn giơ lên mặt đất một vài ngón tay nên rất khó có được một nhận thức trung thực về triết lý Ngũ Hành.
Thế mà Ngũ Hành lại là cái khung căn bản cho triết lý Đông Phương, có hiểu được thì toàn bộ mới ăn chịu nhau hòa hợp "Ngũ Vị tương đắc nhi các hữu hợp" (H.T.). Ngũ Hành là nền tảng cho thể chế Minh Đường và Nguyệt Lệnh, cả hai đều là nơi thai nghén ra Hồng Phạm và Hồng Phạm là mô hình bản cốt của Triết lý Việt Nho. Nhận thức được điều đó tức cũng là nhận thức được tầm quan trọng sự hiểu được cách đích thực ý nghĩa uyên nguyên của thuyết Ngũ Hành.
Muốn được thế việc làm đầu tiên là tìm về nguồn gốc văn học nghĩa là tìm ra bản văn lâu đời nhất, khả dĩ được coi như trực tiếp xuất phát tự truyền thống chưa bị pha tạp. Vì cho tới nay sở dĩ ý nghĩa đó không mấy được nhìn nhận ra là do học giả đã chú trọng rất ít tới bản văn đầu tiên; nhưng đã coi ngang nhau cả những bản văn về sau từ đời Châu Diễn, Hoài Nam Tử hay Đổng Trọng Thư, tức là những bản văn xuất hiện về sau vào lối thế kỷ thứ 5 đến 2 trước Công nguyên với những hình thái đã biến thể, nên không nhận ra lối sắp đặt uyên nguyên.
Cần phải đi lên nữa và chúng ta nhận ra bản văn cổ đại nhất nằm trong Kinh Thư ở thiên Nghiêu Điển và Thiên Hồng Phạm nơi nói đến Ngũ Hành lần đầu tiên. Kinh Thư có thể san định vào đời Khổng Tử nhưng hai thiên Nghiêu Điển và Hồng Phạm đã tồn tại trước đó rất lâu ít ra về căn bản.
Đã một dạo các học giả cho rằng thuyết Ngũ Hành do Châu Diễn sáng lập. Nhưng ngày này thuyết đó không còn thể đứng vững vì họ lẫn lộn thuyết Ngũ Đế Đức và Ngũ Hành, tức là lẫn lộn cái tuỳ với cái gốc. Ngũ Đế Đức thì do Châu Diễn nếu không thủ sáng thì ít ra cũng là người truyền bá mạnh. Đến sau Đổng Trọng Thư chịu ảnh hưởng này nhiều.
Còn thuyết Ngũ Hành là căn bổn cho Ngũ Đế Đức thì có lâu đời trước như đã để ấn tích lại trong Nghiêu Điển. Ngày nay được kiểm chứng bằng phương vi tinh đẩu (*)
(*) (Précession des équinoxes: là sự "tiến động của trục Trái đất", làm cho những sao đổi vị trí đổi với vòng chí thiên tính ra 72 năm thì đổi 1 độ, chu kỳ tuế sai 25920 năm. Vì thế hạ chí ở cổ thời trúng vào sao Hư, đến hai đời Hạ Thương là sao Nữ đời Chu sao Ngưu, đời Hán sao đẩu và nay đang tiến vào sao Cơ. Vì thế mà mùa có một vị trí thay đổi trên vòm trời. Vì Nghiêu điển chia vòm trời làm 4 mùa, nên có thể căn cứ vào đó mà tính niên kỷ của bản văn. S. 568)
... là những sự kiện khách quan có thể kiểm chứng bằng khoa học chính xác. Điều đó chứng tỏ không thể nào có chuyện giả mạo về phần căn cơ. Ấy là chưa kể đến những minh chứng về sử liệu chẳng hạn việc nhà Thương dùng sắc trắng, và tên các vua có chữ của Thập Can như Bàn Canh, Thái Giáp, Ốc Đinh, Ung Kỷ… là những việc giả thiết đã phải có thuyết Ngũ Hành trước rồi, vì màu sắc cũng như Thiên Can (Giáp Ất) là do Ngũ Hành.
Điều đó cũng thật về thiên Nghiêu Điển nói đến 4 cung của 4 sao và Trung Cung Bắc Đẩu tức là khung Ngũ Hành. Như vậy là chúng ta có thừa lý chứng về sự chính truyền và lâu đời của hai bản văn liên hệ tới Ngũ Hành, tức là bản văn ghi lại một quan niệm triết lý được xuất phát nếu không ở thế kỷ 27 thời Phục Hi thì ít ra ở thế kỷ 24 đời Nghiêu Thuấn. Một sự giả mạo không thể nào có được vì nó đòi phải biết đến phương vị tinh đẩu là điều lúc đó chưa đâu biết. Còn nếu giả sử người lập ra biết được luật đó do trực thị thì đã chẳng thèm giả mạo mà đương nhiên đã là một vị thủy tổ rồi.
Bởi vậy ta có thể biết chắc tâm về giá trị chính truyền của tài liệu Ngũ Hành trong hai thiên sách đó và ta khởi đầu nghiên cứu cái triết lý ẩn bên trong.
2. Nội dung bản văn
Bản văn chia ra ba triệt. Triệt nhứt nói về thứ tự các Hành, triệt hai nói về tính chất của mỗi Hành, triệt ba nói về ngũ vị: mặn, đắng, chua, cay, ngọt (hàm, khổ, toan, tân, cam).
Triệt tam này thuộc Dụng tùy phụ vào Thể ở triệt hai. Vậy chúng ta chỉ cần tìm hiểu triệt hai nói về tính chất mỗi Hành.
Thiên Hồng Phạm nói:
"Nước thấm xuống. Lửa bốc lên. Mộc uốn khúc để chính trực. Kim vâng theo để biến cải. Thổ ở chỗ gieo gặt"
"Thủy viết nhuận hạ. Hỏa viết viêm thượng. Mộc viết khúc trực. Kim viết tòng cách. Thổ viên giá sắc."
Yếu tính của nước là thấm xuống. Ông Granet phản đối Chavannes dịch chữ viết là "est appelé" vì như thế tách rời động tác ra khỏi nước, y như nước là nước, còn động tác chảy xuống là ngoại tại không cấu tạo nên nước. Hiểu lối đó là hiểu theo lối tố chất (élément) đã cụ thể đông đặc mất rồi.
Ngược lại ở đây yếu tính của nó chính là tác động, chính là Hành, nên Hành không bao giờ được hiểu là danh từ nhưng phải hiểu là động từ: Hành là đi, là biến dịch, là diễn tiến, một "vận hành", vì đây đang ở vòng sinh chưa đến vòng thành. Có thể nói là còn ở trong đợt vi thể nơi không thể tưởng tượng ra sự vật mà một trật không có tác động của sự vật đó (N.E.S).
Ở vòng thành có thể tạm hiểu là "élément", là vật thể như quen hiểu trong việc xếp loại. Chứ như đây là đợt sinh thì hoàn toàn chỉ động tác. "Thuỷ viết nhuận hạ. Hỏa viết viêm thượng …" ở đợt sinh cốt cán Thủy không là nước (đó sẽ là đợt thành) không là chất lỏng, nhưng là động tác tẩm xuống.
Lửa cũng thế là động tác đi lên, bốc lên. Lên xuống đều có hướng rõ rệt, là lên xuống để giao nhau. Do đó Ngũ Hành mà dịch là 5 éléments hay 5 substances đều chỉ tạm đúng có vòng ngoài.
Dịch bằng chữ "principle undergoing" = "nguyên lý đi ngầm dưới" là gần nhất với chữ Hành vì nói lên được động tác là đi. Tuy nhiên đó cũng mới là gần mà chưa đúng hẳn vì chưa biểu lộ hết cỡ cái đường "vận hành" là đường nằm ẩn trong.
Bây giờ xét đến triệt nhất về thứ tự tiên thiên: nhất viết Thủy, nhị viết Hỏa, tam viết Mộc, tứ viết Kim, ngũ viết Thổ. Sở dĩ thứ tự này hay lẫn lộn vì không phân biệt với thứ tự hậu thiên, vậy ta cần diễn giải thêm.
Đứng về phương diện tiên thiên thì những số nầy có một sự quan trọng từ căn cơ chứ không phải là thứ tự sắp xếp có thể thay ngôi đổi vị, nhưng là thứ tự cấu tạo nói lên yếu tính, cho nên nó dính liền với nhau: hễ thay đổi là đánh mất yếu tính tức là sự đối đãi của Âm Dương. Nên hễ đã nói: 1 là Nước, thì 2 là Hỏa; 3 Mộc thì 4 phải là Kim, còn 5 thì vẫn là Thổ, chứ không được lộn thứ tự để nói 1 là Mộc thí dụ.
Vì đây là đường diễn biến của Âm Dương nên là cái gì nội tại mà Kinh Dịch đã nói: "nhất âm nhất dương chi vị Đạo, kế chi giả thiện dã thành chi giả tính dã" (H.T.5).
Đã nói là Đạo thì "bất khả tu du ly dã" không thể lìa dù chỉ một giây, nên lại nói là Tính tức là bản cốt yếu tính. Vậy hễ làm sai thứ tự thì không còn là tính là vật đó nữa. Yếu tính đó là Âm Dương đối lập nằm trong vòng Đạo Trung Hòa. Giữa hai đối lập thể có một trung gian hòa giải. Nếu kép lên thì cũng theo luật đó, tức phải có trung cung hòa giải và sinh dưỡng nên gọi là "nhịp năm" tức là 1.5.2 chỉ hàng dọc và 3.5.4 chỉ hàng ngang hay là Vũ Trụ hoặc Thời Không đúc một. Tức là nét đặc trưng của triết lý Nhân sinh. Chúng ta sẽ dễ nhận ra điều đó trong khi đặt những số thứ tự kia thành đồ biểu như sau:
Đó là đồ biểu thứ tự theo Hồng Phạm: ta thấy số 5 chiếm một địa vị đặc biệt ở Trung Cung.
Muốn hiểu được nghĩa Trung Cung cần tìm hiểu chữ Ngũ trong danh từ Ngũ Hành. Vì chữ Ngũ cũng quan trọng như chữ Hành.
Chữ Ngũ thường chỉ hiểu là số 5 hoặc là thứ Năm, nhưng đó mới là lối hiểu thông thường. Còn một nghĩa nữa sâu hơn chỉ Thiên Địa. Lúc đó 5 là số thành của 3+2 tức là "tham thiên lưỡng địa" 3 Trời, 2 Đất. Hiểu như thế mới đúng với Đạo Âm Dương một lẻ một chẵn, một Đất một Trời, có ra mà cũng có vô. Do đó 5 được dùng làm số trung tâm bao hàm ý Tiềm Thể Tâm Linh vậy.
Đấy là lối hiểu bắt buộc khi xét riêng một chữ Ngũ. Vì lúc đó nó biểu thị lò cấu tạo Uyên Nguyên (tạo hóa lư). Sự cấu tạo đó phải theo đúng luật Âm Dương, nói khác là luật Vũ Trụ, hễ có Vũ phải có Trụ, hễ có tung phải có hoành mới vẽ nên hệ tọa độ. Nên hễ đã 1, 2 là Thuỷ Hỏa làm tung, thì phải có 3 Mộc 4 Kim làm hoành. Đặt sai thứ tự là đánh mất "tung hoành", làm mất "vũ trụ". Và như thế là "tâm bất tại" mà thiếu Tâm thì còn chi là "ngô tâm tiện thị vũ trụ".
Bây giờ xét tới điểm thứ hai là Hành. Hành là đi, đi là ra nên phải có hướng có nơi tìm về (phản phục). Đi ra phải hướng về trung tâm. Trung tâm là Tròn là Trụ, còn đi ra là Vuông là Vũ; hiểu như thế mới đúng lược đồ căn cơ hai chữ vũ trụ của quan niệm thời gian uyên nguyên, tức là ý thức tầm quan trọng của Thổ. Có hiểu được tầm quan trọng của Thổ mới nắm được then chốt; nếu không sẽ gây lộn xộn, đánh mất yếu tố căn cơ như thường thấy.
Bởi vì ngay lời nói: Thuỷ, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ đã khơi mào cho sự lẫn lộn đó; phương chi thứ tự đối kháng kiểu Hoài Nam Tử: Thủy Hỏa Kim Mộc Thổ càng xa hơn. Vì cả hai không đặt Thổ làm trung tâm nên không có trung gian hòa giải giữa hai đối lập thể tức là lẫn lộn hai bình diện vậy. Đem Thổ ở bình diện trên (hay là nội cũng thế) đặt xuống bình diện dưới (hay là ngoại) thì làm sao vẽ lên được thập tự nhai, mà thiếu thập tự nhai thì còn chi là vòng trong, còn chi là tinh tuý tinh thần, cái còn lại chỉ là khung ngoài trống rỗng.
Do đó chúng tôi thử đề ra một lối biểu thị mới gọi là đồ biểu hoa thị để nói lên sự quan trọng của Hành Thổ như sau:
Để vẽ đồ biểu hoa thị nét bút phải qua Trung Cung 4 lần tức là một mình Hành Thổ đã phải có 4 lần bằng 4 Hành kia cộng lại. Do đó nâng cao sự quan trọng của hành Thổ.
Thực ra thì con số không thể diễn tả, vì Hành Thổ thuộc phẩm ở một bình diện khác hẳn. Tuy nhiên tránh được sự cho Hành Thổ một số lượng y như con số bất kỳ nào kế tiếp theo sau những số đi trước. Đồ biểu hoa thị còn diễn tả được phần nào yếu tố thời gian gọi là Tứ Quý(cung Thổ nằm trong Sửu, Thìn, Mùi, Tuất) tức là 4 lần trở vào Trung Cung ở cuối 4 mùa trong năm để trai tâm. Nhờ sự trai tâm đó nó sẽ làm nhẹ bớt nguy cơ đặt Hành Thổ ngang hàng với 4 Hành kia: trong thực tế sẽ là để vật chất chồng lên tinh thần.
Hồng Phạm có nhấn mạnh Hành Thổ bằng cách thay chữ "viết" bằng chữ "viên":
- Thủy viết nhuận hạ
- Hỏa viết viêm thượng
- Thổ viết giá sắc
- Tính chất nước là nhuần xuống
- Tính chất lửa là bốc cháy lên
- Thổ ở trong giá sắc (gieo gặt)
Thổ không có việc thẳng mà chỉ ở trong hai việc của người (gieo gặt) như thế là Thổ không có làm, cũng y như là Thổ không có mùa riêng. Có Xuân, Hạ, Thu, Đông cho 4 Hành kia mà không có mùa thứ Năm cho Thổ, cũng như Thổ không có phương hướng thứ Năm.
Do đó một số học giả đã cho Thổ là phụ thuộc vì không có việc, không có mùa, không có phương (xem Legge s.29+230), nhưng với triết Đông đó lại là chỗ đặc biệt của Hành Thổ. Chính vì Thổ không có phương nên mới là Thần diệu. Vì Thần vô phương nghĩa là vượt không thời gian nên mới được tôn lên bậc "Hậu Thổ" đại diện cho Hoàng Thiên ở chung một cung: đó là danh dự không hề bao giờ dành cho các Hành kia. Chính vì Thổ là Hành hữu vô địa; không phương riêng, không mùa riêng nên Thổ mới có thể chở che mọi Hành và vượt lên mọi Hành để ở vào một bình diện khác hẳn tức là siêu việt, vô hình "Hành vô Hành".
Đấy là một điều tế vi rất dễ khuất mắt nên dễ mất ý thức về nền triết lý trung hòa này. Một nền triết lý mà nếu diễn tả bằng tiêu biểu thì bao giờ giữa hai đối lập thể cũng có cái độn, cái lót, có một miền phi quân sự nhằm mục đích giảm nhẹ mãi từ đợt căn cơ sự đối kháng hoặc óc triệt tam. Sở dĩ Thổ chơi nổi vai trò hòa giải đó vì nó không là trái độn thường nhưng là trái độn siêu việt, nghĩa là ở trên bình diện khác hẳn với hai đối lập thể mà nó muốn hòa giải; không để cho bên nào diệt bên kia nhưng cả hai "tịnh dục" (symbiose) cùng sống trong những giới hạn mà lý trí không thể phân định nổi được và ta gọi là bổ túc.
Chính tinh thần bổ túc này mới là tinh thần của triết lý Việt Nho. Vậy nếu không nhận thức được để cố gắng khôi phục lại địa vị cho Thổ, thì Triết Việt cũng trở nên triết học về bản chất hoàn toàn chạy vòng ngoài (bàng hành) y cứ trọn vẹn trên nguyên lý mâu thuẫn, triệt tam; hết chất bổ túc của Âm Dương Hòa, như phần nào đã xuất hiện dưới hai bản sinh khắc sau đây là hai bảng dễ gây lộn xộn do sự không hiểu được tiên thiên và hậu thiên. Nên cần chúng ta bàn luận thêm.
3. Tương sinh tương khắc
Bản tương sinh gặp trong Nguyệt Lệnh được Đổng Trọng Thư khai triển trong sách "Xuân thu phồn lộ". Bản Tương Khắc được Hoài Nam Tử và các âm dương gia thuật sĩ chú ý. Trước hết đây là bảng Nguyệt Lệnh Tương Sinh: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ. Thổ sinh Kim. Kim sinh Thủy:
Theo thứ tự bốn mùa và số Nguyệt Lệnh Xuân 8, Hạ 7, Thu 9, Đông 6.
Thứ tự đối kháng: Thủy khắc Hỏa. Hỏa khắc Kim. Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, theo thứ tự (*)Thuỷ, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ như hình sau:
(*) (Chú ý vua ngồi quay hướng Nam: tay trái là Đông, tay mặt là Tây, trước mặt là Nam, đó là đặc điểm chung của Viễn Đông không nên đổi lại kẻo có nhiều thành ngữ đã nói theo: như cỗ "xe hư tả" đón người hiền, hiểu là ở phía Đông nếu đổi chiều Nam Bắc thì sẽ ra phía Tây. Vậy cần để nguyên thứ tự và cần chú ý, nếu không sẽ lầm lộn đến yếu tinh của hai Hành Thuỷ Hỏa. S.555.)
Bảng đối kháng theo thứ tự số Lạc Thư. Lạc thư khác Hà Đồ ở chỗ 2, 4 đổi cho nhau, để làm nên một hệ thống tiêu biểu mới, nhưng vì người sau không hiểu nên đã để cho gây nên biết bao lộn xộn che lấp mất cái ý nghĩa siêu hình của Ngũ Hành, muốn thấy lý do đó cần nhận ra 4 điểm sau:
1) Số Sinh: 1, 2, 3, 4, 5. Số Thành: 6, 7, 8, 9. Gọi số Thành vì nó thành với số 5: 5+1=6, 5+2=7 v.v…
2) Số Đất là số chẵn 2, 4, 6, 8. Số Trời là các số lẻ 1, 3, 5, 7, 9
3) Vòng trong và vòng ngoài. Vòng trong do số Sinh. Vòng ngoài do số Thành.
4) Hai tinh thần của hai loại Triết học.
Môn phái triết học kể ra có tới hàng trăm nhưng nếu lấy tiêu chuẩn vòng trong vòng ngoài gốc từ Ngũ Hành mà phân loại thì ta có hai tinh thần triết lý: một là triết lý vòng ngoài xây trên nguyên lý mâu thuẫn, thiếu đất (Hành Thổ) làm chỗ hội thông, nên dẫn tới triệt tam trong triết lý, và bất tương dung trên đường xử thế. Loại thứ hai là triết lý ngoại nội Dung hợp nhờ Hành Thổ làm trung gian nên có bao Dung và lấy Trung làm bản gốc, lấy Hòa làm chỗ đạt Đạo. Nắm vững các then thốt trên làm căn cứ chúng ta khảo lại hai bản sinh và khắc trên cương vị triết lý.
Về bản Sinh, nếu xét nguyên lược đồ thì đúng với thứ tự Ngũ Hành nên không gì là sai: nó là thứ tự 4 mùa. Nhưng xét đến tên gọi và cách hiểu thì sai, khi gán cho nó chữ sinh mà thực ra chỉ có giá trị kế tiếp (cùng một giá trị với xếp loại thuộc bình diện dụng). Thế mà số kế tiếp không là số sinh (cấu tạo) nhưng chỉ là ước định nhân vi, nó bắt nguồn từ ngày: sáng, trưa, chiều, đêm và mở rộng ra là Xuân, Hạ, Thu, Đông đi với Đông, Nam, Tây, Bắc. Đó là nhân vi ngoại tại vì mặt Trời từ Đông mọc lên đỉnh đầu, lặn về phía Tây chứ không có xuống phía Nam rồi lên Bắc.
Thứ tự đó người ta gượng đặt ra để nói lên sự hòa hợp giữa 4 hướng. Nó chỉ nhằm diễn đạt có sự đúc Vũ vào Trụ, thế thôi. Mỗi biểu tượng chỉ nói lên được có điều nó muốn biểu thị, ít khi đi ra ngoài mà không trật ý nghĩa: những con thú dùng biểu thị đức tính như quy là thọ nếu hiểu là con vật đắm dưới bùn là sai. Thứ tự Nguyệt Lệnh là thứ tự xếp đặt, gán cho nó chữ sinh là sai, vì lúc ấy nó sẽ làm mất khía cạnh gián cách đối chọi của Xuân Thu, Đông Hạ như trong Hồng Phạm, tức là đánh mất thập tự nhai của Âm Dương giao hợp. Và vấp phải nhiều vấn nạn chẳng hạn nói là sinh nhưng ở đâu?
Nguyệt Lệnh cho số thành tức 6, 7, 8, 9 chứ có cho số sinh 1, 2, 3, 4 đâu mà bảo sinh? Lấy lý do nào mà bảo 8 sinh 7 và 7 sinh 5, v.v… nếu lấy số sinh thì cũng phải theo luật Âm Dương, có Âm Dương mới sinh, đây chỉ có duy Dương (tức số 3) hay duy Âm (2) trơ trọi thế làm sao mà sinh? "Cô dương bất sinh độc âm bất thành"!
Xét đến mặt bản chất hỏi căn cứ vào đâu mà bảo Mộc sinh Hỏa? Mộc có dưỡng Hỏa còn nghe được, chớ đâu có sinh Hỏa. Hỏa phải có rồi nó đến đốt Mộc. Nói rằng bã cặn của các giống bị đốt sinh ra Thổ đã gượng lắm rồi. Đến như bảng Tương Khắc cũng mắc một chứng như bảng Tương Sinh và hai bên nương nhau mà xuất hiện.
Vì thế hai bảng này chỉ nên dùng để sắp loại, chứ không xài được trong phạm vi triết. Tuy nhiên trong thực tế nhiều người lạm dụng hai bảng này.
Ngoài các thuật sĩ pháp môn khoái bảng này thì còn có các ông thích làm đảo chính dựa vào đó để biện minh cho hành động của họ. Họ có thể làm phải: nhà Châu có thể có lý do chính đáng diệt nhà Thương, cũng như nhà Tần diệt nhà Chu. Và tức nhiên người đắc thắng thiếu gì lý do biện hộ. Thế nhưng các ông muốn có một lý do y cứ trên nền siêu hình cho thêm giá trị!
Tần Hoàng diệt Châu tức là theo Đạo Trời Thuỷ diệt Hỏa vì Hỏa là đức nhà Châu, nhà Châu đức là Hỏa diệt nhà Thương đức Kim… Đâu có phải chúng tôi tham quyền, chẳng qua vì cái đức (hiểu là ngũ đế đức của Ngũ Hành) của triều đại trước đã cạn nên đến lượt Hành mới lên thay đặng canh tân nguồn sống. Thiên Cơ là thế, thấy chưa? Đấy là truyện rất thông thường ở thời Thượng cổ là thời ưa thần quyền giàu sách Thần khải, một phương thức thích hợp cho tâm trạng con người thuở xưa.
Thuyết Ngũ Hành xuất hiện từ xa xưa làm sao thoát khỏi truyện lạm dụng. Do đó mà hai bảng Sinh Khắc như trên được lạm dụng làm nền tảng cho thuyết Ngũ Đế Đức vậy.
Cái khuyết điểm chung là đặt Thổ ngang hàng với 4 Hành kia ở chỗ đi một vòng trở lại Thổ I lần rồi ra ngoài 4 lần liền. Như thế còn đâu là thập tự nhai? Đã vậy còn cho phép các Hành kia "sinh" và "khắc" Thổ, quên mất vai trò Hậu Thổ ở Trung Cung cùng với Hoàng Thiên và cùng với Trời sinh ra và che chở cho cả 4 Hành: "Thiên phú địa tải" không biết ơn lại còn vô ý thức đến nỗi nói Mộc khắc Thổ. Mộc làm sao khắc được Thổ? Nhái bén kiện Ông Trời (*) hoặc bảo Hỏa sinh Thổ, chơi trèo đến thế là hết cỡ.
(*): có lẽ được ám chỉ trong Thần Thoại "khoa phụ" là tổ phụ các tay nói khoác, đòi tranh đua với mặt trời nên bị chết khát (xem Danses 362).)
Do đó hai bảng mang theo nhiều chất sấm vĩ tai dị, mở đầu cho những lời huyền ảo phù pháp… Tất cả những luận bàn tùm lum đó các đời sau không ai dám đá động chi tới thành ra che lấp suốt hơn 40 thế kỷ nền triết lý Việt Nho đến khi trộn vào với Kinh Dịch thì làm ra một thứ huyền hoặc tai dị, như ông Wilhem phàn nàn trong I-ching I. P. 382 mà ông gọi là "hocus, pocus".
Muốn dùng hai bảng đó cho trúng ý nghĩa triết lý thì nên coi như toàn khối với hai chiều đi trái ngược nhau: một sinh xoay lối phải, một khắc xoay lối trái kiểu như Hà Đồ Lạc thư hay là hai chữ Vạn Vãn: tức cùng là lối Âm Dương đối đáp nhưng đã được mở rộng ra để dễ áp dụng vào đời sống. Giữ nguyên lối nhìn toàn diện đó thì thoát lộn xộn mà thêm được một biểu thị rất đẹp cho sự triển khai Minh Triết. Ngoại giả chỉ nên coi đó như những bảng dùng để xếp loại, chẳng hạn trong y học giúp cho dễ nhớ những kinh nghiệm đã tích lũy.
4. Nguồn suối hữu thực
Đầu bài đã nói về nguồn gốc văn học, ở đây cần bàn về nguồn gốc hữu thực tức là căn cơ Triết học.
Rất nhiều học giả định tính văn minh Viễn Đông là một nền văn minh biểu tượng. Nói như thế tuy có đúng nhưng chưa đủ, vì thực ra nền văn minh nào cũng có thể gọi là biểu tượng, bởi chưng ít hay nhiều đều có dùng biểu tượng lấy ở tinh đẩu hoặc các hiện tượng. Sở dĩ Việt Nho đặc trưng là ở trong chỗ biết vượt qua biểu tượng để đi vào Trung Cung, nên đặc trưng nằm trong chỗ Siêu Việt chứ không trong chỗ biểu tượng. Vì thế cần phải xác định một số điểm sau đây.
Đứng trước cảnh tượng uy nghi của trăng sao vận chuyển, con người có thể có 3 thái độ: một là tỏ ra khiếp nhược kinh sợ, rồi từ đấy tin là đã được nghe những mệnh lệnh truyền khiến điều này điều nọ, đó là thái độ của Vu Nghiễn ma thuật. Cũng có thể xem thấy ở tinh tú những ảnh hưởng huyền bí chỉ huy đời sống và số kiếp con người và đó là thái độ của chiêm tinh thuật số.
Cũng có thể xem tinh đẩu biểu lộ đường vận hành của Vũ Trụ tức là đường đi của Thời Không và con người nương theo đó rút ra tự lòng mình những quy tắc hướng dẫn đời sống. Chỉ có lối nhìn thứ ba này mới là của văn minh Việt Nho; nó là thái độ của những con người có tâm thức tiến đến độ cao mà ta quen gọi là hiền triết. Đó là thái độ của Khổng Tử khi ông nói "dư dục vô ngôn: tứ thời hành yên, bá vật sinh yên, Thiên hà ngôn tai". (L.XVII,18)
Phải, Trời không nói nhưng Trời có giúp cho ít dấu hiệu: "Tự Thiên hựu chi" (H.T.12) nên con người vẫn phải làm lấy: một đàng "ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ dát ư Địa lý" (H.T. 4) nhưng đàng khác vẫn phải "quan kỳ hội thông… nghĩ nghị dĩ thành kỳ biến hòa"(H.T. 8). Xem trời ngắm đất rồi trở lại lòng tìm ra nơi hội thông cũng gọi là "Thiên địa chi tâm" vượt tầm tai mắt để mà nghĩ ngợi, để mà định đoạt con đường thực hiện sự tiến hóa của mình, nghĩa là một đường lối có ngoại: ngắm thiên văn địa lý mà cũng có nội, tức là tâm tư; cho nên có thể gọi là con đường thực nghiệm và quân bình vượt xa hẳn những lối ma thuật hay mơ mộng khác thiếu nền móng vững chãi, hầu hết thiên lệch hướng ngoại.
Theo lối thực nghiệm đó thì luật thiên nhiên không phải được khải thị một lần, nhưng từng giờ từng khắc, không phải bằng lời nói nhưng bằng sự vận hành của thời, của khắc, của trăng sao tinh đẩu: người là giống linh tính, xem đấy mà tìm hiểu. "Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức" (Dịch, quẻ Càn), vì nó cũng vận hành theo một quy luật tổng quát của vạn vật. Đó chính là tinh thần Kinh Dịch, nền móng của văn minh biểu tượng, nên 64 quẻ là 64 biểu tượng, và sau mỗi tượng có 1 câu quân tử dĩ, nghĩa là người quân tử coi theo đó mà rút ra luật tắc đặng xử kỷ tiếp vật. Thí dụ quẻ Vô vọng (25) lời Kinh nói rằng Tượng viết: "Thiên hạ lôi hành: vật dữ vô vọng. Tiên Vương dĩ Mậu đối thời dục vạn vật." (chữ Mậu cũng như chữ Mậu Kỷ ngày xưa viết có thảo đầu, chỉ làm tốt tươi, rất có thể do ảnh hưởng văn hóa nông nghiệp Việt Nho): nghĩa là "dưới Trời sấm chạy là tượng quẻ vô vọng: vạn vật đạt tình trạng thiên nhiên không lỗi (đúng: không sai thù với tính trời phú cho) Tiên Vương xem đó mà làm tốt đức của mình đặng hợp với thời Trời mà nuôi dưỡng vạn vật".
Đại để đó là lối hiểu chính truyền và nhờ đó mà văn hóa Việt Nho không bị mắc kẹt ở biểu tượng lý trí, nhưng vượt lên qua linh tượng để đạt nguồn suối của Linh Đức như đã bàn trong quyển Loa Thành đồ thuyết trong đó có nói đến những khó khăn rất nhiều mà tâm thức phải vượt qua để đạt độ "Kinh Đức bỉnh triết". Vì thế không lạ khi thấy bên Viễn Đông các đời sau nhiều khi không giữ đúng, hoặc nhuốm màu ma thuật như lối tôn giáo Vu Nghiễn đời Thương, hoặc quá nhân vi, văn học, thuật số như đời nhà Châu, hay là chi ly sấm vĩ như một Châu Diễn hoặc một Đổng Trọng Thư…
Tuy nhiên không lúc nào yếu tố biểu tượng khoa học bị vùi lấp hẳn nên vẫn duy trì được nền thống nhất tương đối khá hơn các nơi.
Để có một ý niệm khác trung thực hơn ta hãy thử mường tượng ra mình đang đứng trong đêm tối, tay cầm một que, đầu có than hồng và đưa mau que để vẽ lên hình hoa thị. Hoa thị chỉ tồn tại bao lâu chiếc que hồng chạy mau đủ để vệt sáng kịp nối tiếp nhau đều đều và giả thiết rằng que lửa cũng chỉ hồng cháy mỗi khi trở lại tim hoa để "sạc-dê" lại sinh khí đã tiêu ra ngoài, hầu trở ra vẽ cánh hoa thứ hai, và cứ một xuất một nhập như thế để vẽ cánh ba rồi cánh bốn… Thí dụ đó nói lên phần nào quan niệm sự vật biến dịch theo đường Ngũ Hành.
Quan niệm như trên khác hẳn với quan niệm bất động của triết học lý niệm, vì ở đây là quan niệm theo Dịch lý trên một quá trình luôn luôn hoạt động, luôn luôn đi tới, nhưng không đi tứ tung Ngũ Hành hay là tứ tung ngũ Thổ hay là ngũ quy Tâm, tức là đi về nội giới để duy trì lưỡng nhất tính là "hợp ngoại nội chi Đạo": một bước ra lại một bước vô.
Nếu chỉ có vòng ngoài thì giống như Thần Cộng Công vì sầu hận húc đầu vào núi Bất Chu: "Cộng Công nộ nhi xúc bất chu chi sơn". Chu sơn chỉ Chu tri, còn bất chu sơn chỉ cái biết không tròn đầy (xem Liệt tử C. V. A. Couvreur tr. 130). Chính cái biết không tròn đầy này làm cho trời long đất lở, khổ luỵ chín châu. Phải nhờ bà Nữ Oa vá Trời và cắt 4 chân con rùa đội Đất cho khỏi nghiêng lật. Đó là chỉ nền Minh triết Việt Nho chú trọng số 5 thay số 4, 6, 8 của Hoa tộc. Nói cắt 4 chân có ý chỉ không được bám sát vào 4 góc, 4 Hành ngoài, vì như thế không còn nơi Thông hội với Trời ở Hành năm. Và lúc ấy không còn là Đạo Hành mà chỉ còn là lộng hành (activisme) vì thiếu sức lưu nhuận của sinh hoạt đạo thể, thiếu tiếp xúc thường xuyên và trở nên khô cạn yếu ớt như bóng ma trơi.
Đấy là tình trạng bi đát của con người hiện tại cắm đầu chạy vòng ngoài mà thiếu hẳn căn cơ của vòng trong. Cái được mệnh danh là vòng trong đã bị hạ xuống cùng đợt với vòng ngoài: tức là đã để mất tính chất tâm linh của thổ, và cuộc chạy trở thành cuộc diễn hành của đèn kéo quân chỉ còn bóng với hình thiếu mất tâm linh tự nội phải nhờ khói đẩy vòng quanh. Đạo giáo được thiết lập ra là cốt cho Đạo "tương hành" cho sinh khí Đạo lưu nhuận mọi hành vi cử chỉ, nhưng thiếu nội khởi của Thổ Thần, nên hầu không giúp chi được vào việc thiết lập mối tình huynh đệ phổ biến là cái đích điểm rõ rệt nhất của mọi nền đạo lý chân thực. Những mục tiêu khác như tri thiên, tri địa còn xa xôi và dầu sao khó kiểm soát, chí như "ái nhân" là hậu quả thiết yếu và ở trong tầm kiểm soát được. Vậy mà để có thể ái nhân thì cần an thổ. Có "An thổ đôn hồ nhân" mới "cố năng ái". (H.T. IV)
Có "an thổ" mới đủ khả năng yêu thương nghĩa là phải có nơi an trụ cho tâm hồn, mới gặp nền tảng cho tình yêu dung thông khắp cõi: dẫu đến tứ hải cũng đều là huynh đệ. Vì có đạt trung điểm mới bao gồm được 360 độ, còn khi ở một trong 4 cục bộ thì chỉ bao được 90° hay I phần tư, tức là có nhất hải được coi là huynh đệ, còn tam hải gảy ra ngoài, theo những kỳ thị màu sắc, tôn giáo, dòng tộc hoặc đẳng cấp. Chỉ chấp nhận có bần cố nông, có lao động thí dụ, và lúc ấy không thể cố năng ái, mà chỉ cố năng gây căm thù, gây hiềm oán… Và nhiều khi nhất hay nhị hải mà đã "giai sài lang" rồi (thay vì giai huynh đệ).
Môn phái Triết học Ionien ở Hi Lạp chủ trương tứ hành là nước, lửa, đất, khí. Nhưng có lẽ vì thiếu Hành Thổ, nên Thales chủ trương vạn vật do Nước, Héraclite bảo do Lửa. Phải chăng đó là nguồn suối các sự thiên lệch, các thứ duy vật sau này: duy vật, duy tâm, duy kiện?…
Triết lý Ngũ Hành chủ trương ngược lại là nhận ra Nước Lửa một trật. Sở dĩ dám nhận cả hai Hành trái ngược đó tiêu diệt nhau, nhưng lại điều hòa nổi là nhờ có Hành Thổ Trung Cung cũng gọi là Địa linh, Địa mẫu, nên thay vì tương khắc thì "Thủy Hỏa tương đãi" (Thuyết quái VI) "Nước Lửa bổ túc cho nhau": Water and fire complement each and other." (W. 292). "Nhiên hậu năng biến hóa": nhờ đó có thể tiến hóa. Nhờ đó mới có thể: "Tri chu hồ vạn vật, nhi đạo tế thiên hạ cố bất quá. Bàng hành nhi bất lưu. Lạc thiên tri mệnh cố bất ưu. An thổ đôn hồ nhân cố năng ái." (H. T. IV)
"Biết trọn được (chu vi) khắp vạn vật nên gây được an hòa cho khắp cõi. Vì vậy không đi quá. Hoạt động ở vòng ngoài mà không bị trôi theo lưu tục. Thấu hiểu mệnh trời, nên không ưu sầu. Yên nghỉ lại nơi Thổ tâm linh và đôn hậu tình người nên có thể yêu thương bằng tấm lòng chân thực."
5. Triết lý ngũ hành
Triết lý Ngũ Hành cũng chính là triết lý Tam Tài, nhưng được quảng diễn rõ hơn bằng cách rút nhỏ biểu tượng lại cho vừa tầm sức con người hầu dễ triển khai các khả năng tàng ẩn.
Biểu tượng ở Tam Tài là Thiên Địa, ở Ngũ Hành là Thủy, Hỏa, Kim, Mộc. Thiên Địa thì bao quát nhưng mênh mông, nên cần hạ xuống một độ nữa, đó là Thuỷ Hỏa Kim Mộc, là những cái gần gũi thiết yếu cho đời sống. Từ Thủy Hỏa sẽ dễ dàng bước vào đến tận Nhân Tính, tức là phần sâu thẳm nhất. Vì Tính kép bởi hai chữ Tâm và Sinh. Thế mà Sinh có liên hệ uyên nguyên với Thủy. Vì được coi là nguồn sống sơ nguyên như câu nói của Triết Nho: "Thủy vi vạn vật chi nguyên". Nước là nguyên thủy của vạn vật. Còn Tâm liên hệ với Hỏa, chỉ cái gì sáng soi đốt nóng. Nếu Tâm chỉ siêu thức hướng dẫn tâm hồn thì Hỏa cũng là cái gì soi sáng hướng dẫn, cai trị, ra mẫu mực như trong ý tưởng của Héraclite qua lối trình bày của Heidegger. "Khi Héraclite nói về Lửa thì ông nghĩ hơn hết đến cái sức sáng soi hướng dẫn và bao trùm lên mọi hoạt lực".
Thánh Kinh mở đầu bằng câu: "Thần Linh Chúa bay phủ trên mặt Nước" thì ở đây Thần Linh chỉ ánh quang linh, chỉ ý tưởng tạo dựng, còn Nước chỉ nguồn sống sơ nguyên vậy.
Trong Ngũ Hành yếu tố Hỏa chỉ phần tâm tưởng, phần sáng soi vào cái sống âm u vô định để hướng dẫn, để tìm ra các ý tưởng là phần soi dọi cho đời sống tâm tình. Hai yếu tố Tâm và Sinh đó hòa hợp giao tham làm nên Tính của người cũng như vạn vật.
Sau hai yếu tố Thủy Hỏa thì đến hai yếu tố Kim Mộc, nó cũng là một cặp Âm Dương, nhưng biểu thị cách cụ thể định hình nhiều hơn và do đó có thể coi như một thứ mức thang phân loại vạn vật từ sống và mềm như Mộc, dẫn tới loại cứng và "vô tri vô giác" như Kim thạch. Vậy với hai yếu tố Thủy Hỏa ta có nét dọc định tính tiên thiên; với Mộc Kim ta có thêm hai yếu tố định hình để phân tính ra nhiều loại, nhưng vẫn còn là tiên thiên, nên nói "vô hồ xứ giả" = chưa có ở nơi nào, mặc dầu đã có thực. Nó sẽ hiện hình cụ thể ra cá vật ở các đợt sau như sẽ bàn ở chương về cá biệt hóa.
Trở lên chỉ là những phân biệt trong lý trí giúp ta dọi một vài tia sáng nhỏ vào cõi Tâm Linh, vì trong thực tế hai yếu tố đó giao hợp khắng khít không thể chi hẳn ra đâu là Thủy Hỏa, đâu là Kim Mộc. Tuy nhiên cần đem vào không những để có vài ba ý niệm sơ sài về tính vật, nhưng cũng còn nói lên một chân lý nữa chưa được đề cập ở Tam Tài, đó là biến dịch.
Ở Tam Tài mới nói đến hoạt lực (tài) cách chung, đến đây mới đặt nổi ý tưởng về chiều hướng của Tam Tài: đó là Hành. Vì thế dùng Thủy Hỏa tiện cho việc biểu thị biến dịch hơn: vì Thủy luôn luôn chảy xuống, Hỏa luôn luôn bốc lên. Cả hai đều biểu lộ ý tưởng biến dịch và khi đặt vào liên hệ đối đãi thì nói lên ý tứ biến dịch theo chiều hướng hòa hợp trong tư thái quân thiên.
Ý niệm biến dịch này liên hệ chặt với biểu tượng biến dịch trong Kinh Dịch là Nhật Nguyệt. Trong đó Nhật liên hệ với Hỏa. Nguyệt liên hệ với Thuỷ (hiện tượng nước thuỷ triều gắn liền với nguyệt), vì thế mà chúng ta có phương trình như sau:
ThiênNhậtHỏaTâm = ĐịaNguyệtThủySinh
Phương trình trên nói lên mối nhất quán của Việt Nho được chỉ bằng nhiều biểu tượng khác nhau. Nhưng khác nhau đến đâu bao giờ cũng đi đôi mà lại ngược chiều. Có đi đôi mới có biến dịch. Nhưng để cho sự đi đôi không chỉ là đối kháng bên ngoài có thể đi đến tiêu diệt nhau, thì phải có vòng trong để đối kháng trở thành đối đãi, bổ túc, tương thấu, tương nhập. Do đó mà cần có sự quân bình giữa hai yếu tố nghịch hành như Thiên với Địa, Thuỷ với Hỏa, Tâm với Sinh mà gốc tâm lý là Tính con người, hễ nghiêng về một bên là ứ trệ là hết cuộc hành trình, hết quá trình biến thông.
Để đặt nổi ý tưởng quân bình này thì quen dùng các số Trời là: 1, 3, 5, 7, 9. Trong 5 số Trời thì số 5 lại còn ở giữa nữa vì thế mà tiên nho nói: "trung hòa cực thịnh hồ Ngũ"
Trung và Hòa thịnh hơn hết là ở số Ngũ. Như trên đã nói số Ngũ chỉ sự Hòa hợp Trời Đất trong thế pha độ bình quân nhất là: Trời ba Đất hai (đất 4 trời 1 thì quá lấn). Vì thế nói Ngũ Hành cũng có nghĩa như hành động theo Trời. Nếu làm được như thế thì rất Thánh ngang hàng với Trời như: Tề Thiên Đại Thánh là Thánh to ngang với Trời.
Đó là tên mà thuyết thường đặt cho Thạch Hầu và đi theo Đường Tăng sang Thiên Trúc thỉnh kinh nên cũng gọi là Hành Giả, có khi là Tôn Hành Giả. Chữ tôn này liên hệ với chữ Chí tôn mà triết lý Ấn Độ thường dùng để chỉ Đấng tối cao. Đi thỉnh kinh tức là đi tìm đến chỗ chí tôn chí cực. Muốn thế thì phải trung thành. Điều đó được biểu thị bằng việc mỗi khi hành giả đánh nhau bị tử thương mà khi tiếp cận được với Đất thì phục sinh lấy lại được sức vóc nguyên tuyền. Đấy là ý nghĩa sâu xa của triết lý ngũ hành mà chúng ta còn thấy biểu thị ra trong nhiều ẩn dụ rất cần nhắc nhở lại cho con người hiện đại đang bị quật ngã bởi nền văn minh máy móc.
6. Trở lại đất tổ
Antée là nhân vật thần thoại có sức mạnh phi thường vật nhau được với thần Hercule là hiện thân của sức mạnh có thể địch muôn người. Nhưng đến sau Antée bị thua vì Hercule nhận ra mỗi lần Antée tiếp xúc với Đất thì liền lấy lại được sức mạnh đã mất cho nên tìm cách nâng bổng Antée lên khỏi mặt Đất, nhờ đó mà Hercule thắng được Antée.
Antée chính là hình ảnh con người hiện đại đang bị thần Herculre mới là nền văn minh cơ khí vô hồn và duy vật tóm cổ xoay như chong chóng trong cơn lốc ở ngoài biên cương đầy xáo động không sao trở lại được với "Địa Linh, Địa Mẫu" để có thể bồi dưỡng sinh lực tinh thần đã kiệt quệ. Đành lê khắp 4 nẻo mà không tìm thấy cửa trở lại địa đàng đã mất hút từ ngày Evà bị tống cổ ra. Đứng ở quan điểm triết lý Ngũ Hành mà luận thì bà Evà có hai điểm thất sách.
Trước hết nếu thèm chua thì nói với Adong thu xếp cho, vì nam ngoại nữ nội. Nội thánh ngoại vương. Sao bà nội tướng lại bỏ ông ở nhà rồi tự ý một mình ra ngoài, ra khỏi trung tâm?
Điều thứ hai mới quan trọng: thì ăn no đi rồi về tay không, chứ đây đưa trái biết lành biết dữ vào nhà. Hỏng ở chỗ ấy, ở chỗ biến trong ra ngoài tức cái trong làm toàn bằng chất ở ngoài. Đó là điều hỏng ngay ở đợt vật lý: không thể dùng kiến thức đại vật lý cho vi thể. Như Bachelard dặn đừng có đưa kiến thức hiện tượng luận vào thế giới vi thể. Nói khác đem phạm trù logic của kiến văn vào cõi Đạo u linh thì từ đấy xoay chiều nào cũng là phiến diện. Vì Đạo phải thuộc phạm vi tâm linh u uẩn huyền vi. Chỉ có thể lấy tâm tính luyện mà cảm chứ không thể lấy óc đếm đo mà biện lý lẽ được.
Người ta nói triết cổ điển đánh mất đàn bà tính là thế. Tức là đánh mất cái cái phần linh tính và tâm linh, chỉ còn toàn lý với lẽ thì có khác chi bà Evà ra hái quả cấm đưa về nhà vậy. Triết lý mất đàn bà là mất Ngũ Hành, chỉ có "4 éléments" mà thiếu thiếu thể thứ năm, cũng gọi là Ngũ Cốc, (cốc chính nghĩa là nuôi), tức là cái Ngũ có tính chất nuôi dưỡng tinh thần và như vậy là triết lý hết tiếp xúc với Đất Mẹ Quê Tổ mà trong sách Liệt Tử kêu là "Tức Thổ" với lời chú thích: "tức thổ bất háo, diệt quật chi ích đa". "Tức Thổ loại đất không hề hao hủy được, càng đào lại thêm lên" (Danses 485).
Đó là "thánh địa" gặp thấy trong mọi ngành Truyền Thống. Đó cũng là Đất làm ra "tạo-hóa-lư" mà bà Nữ Oa dùng luyện đá Ngũ Hành đặng vá lại Trời Đất đã bị thần Cộng Công làm siêu vẹo nghiêng lệch khiến cho "thiên bất túc tây bắc, địa bất mãn đông nam". (Diễn bằng số thì tây bắc là 4–1, Trời 1 mà Đất 4 nên nói Thiên bất túc tây bắc. Còn đông nam là 3–2, 2 Đất ít hơn là 4 phía tây nên là bất mãn).
Trời hụt phía tây bắc (thiếu tinh thần). Đất không đủ phía đông nam (đói nghèo). Liệt Tử ghi
"Ngũ sắc thạch luyện, dĩ hòa âm dương" = Luyện Ngũ Hành
là phương pháp làm cho Âm Dương hòa hợp cân bằng. Sở dĩ Nho triết cân bằng hơn là nhờ bà Nữ Oa không có lẻn ra ngoài hái trái cấm nhưng luôn luôn ở lại nhà để "đội đá vá Trời" vì thế mà bà cũng có tiếng là đã thiết lập ra phép hôn phối, đuôi lúc nào cũng cuộn lấy đuôi Phục Hi (xem hình trong quyển Nhân Bản). Phục Hi xuất hiện bên ngoài nên trắng (bạch), Nữ Oa tàng ẩn bên trong nên đen (hắc), Lão Tử viết: "Tri kỳ bạch, thủ kỷ hắc, Vi thiên hạ thức" (DK 28): "Biết được trắng mà vẫn giữ được đen đó là khuôn thước cho thiên hạ" (trắng là rõ ràng cho ý thức, còn đen thuộc tâm linh không rõ cho lý trí).
Khuôn thước ở đời như là hoa sen trắng ở giữa bùn đen. Mỗi vật có một vai trò, mỗi người có sứ mạng là đem ra thực hiện một hình thái nào đó trong cái kho tiềm thể phong phú vô biên của càn khôn tạo hóa. Những khả năng đó được cụ thể hoá trong cõi hiện tượng bằng thước vuông trong tay Phục Hi tức là những sự khúc khuỷu, tư riêng hạn hẹp của một hình thái và hoàn cảnh nhất định mà mỗi người được sai vào đó để làm sao trong những hoàn cảnh khó khăn như thế mà vẫn chu toàn được sứ mạng, vẫn "thủ kỳ hắc", vẫn luôn luôn giữ được Đạo thường là "hỏa viêm thượng, thuỷ nhuận hạ".
Vì thế mà ở hàng ngang trong thực tế có khi khúc, khi trực, có lúc tòng mà cũng có lúc phải cách. Cũng có khi khúc để rồi mà trực, cũng có khi tòng để rồi cách. Họa hiếm mới có người gặp hoàn cảnh như ý, còn hầu hết đều gặp những khu vực sinh lý xã hội rất hạn hẹp, nhưng phải chấp nhận để rồi sửa đổi, và làm đà tiến đến chỗ hiện thực Đạo tâm. Có khó khăn như thế mới có dịp để mài dũa óc linh hoạt, luyện tập óc tinh anh. Vì tài ba không là chi khác hơn là biết chấp những thách đố của hoàn cảnh. Quân tử là phải ở đâu cũng có thể an nhiên: "Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên" (T.D. 14). Nếu như hoàn cảnh thuận lợi hoàn toàn thì chẳng cần phải quân tử cũng có thể an nhiên tự tại được. Nhưng nếu hoàn cảnh đầy trắc trở thì muốn an nhiên tự tại phải là quân tử, nghĩa là người hiểu biết và hiện thực nổi triết lý Ngũ Hành.
Tóm lại thì triết lý Ngũ Hành chính là Đạo như tiên nho nói
"Hành diệc Đạo chi thông xưng" = chữ Hành
cũng thường dùng để chỉ chữ Đạo, Đạo là đi, nhưng đi theo một hướng là Trời, Đất, Thiên, Địa, tuy nhiên không là Trời Đất cứng nhắc nhưng là uyển chuyển như Nước với Lửa. Kim Mộc là hàng ngang vừa chỉ mực độ cao thấp phân biệt các thứ loại vừa chỉ những hoàn cảnh khác biệt, do đó cần phải uyển chuyển khi lên khi xuống tuỳ thời, vì nếu Đạo là đi, là Hành trình thì bắt buộc phải linh động uyển chuyển như thế. Theo đường đi uyển chuyển mà không lìa xa Đạo thế gọi là Hành.